Nhịp cầu

Tăng cường giám sát Chương trình bảo vệ trẻ em

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:24 - Chia sẻ
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phổ biến và quán triệt Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị; thực hiện lồng ghép chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách địa phương hàng năm; huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục; đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống để các em chủ động đối phó với tác động tiêu cực; đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng như của toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng ngừa, xử lý nguy cơ, hậu quả của hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lào Cai cho thấy, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, buôn bán, bắt cóc trẻ em vẫn xảy ra. Tảo hôn vẫn còn diễn ra ở vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số… Thiếu cơ sở dữ liệu cập nhật chính xác về tình hình trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; việc kiểm soát, phân loại, quản lý và theo dõi các nhóm đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt còn khó khăn dẫn đến việc phát hiện sớm, can thiệp và trợ giúp các trường hợp trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục và trẻ vi phạm pháp luật đôi khi chưa được kịp thời. Còn tình trạng người thân trong gia đình bạo lực với trẻ em; gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em chưa chủ động thông tin, thông báo, tố giác tội phạm do nguyên nhân như mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình và danh dự trẻ em...

Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm đặc biệt hiện nay. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng đông đảo cử tri và Nhân dân trên địa bàn mong muốn là các Ban, Tổ đại biểu, đặc biệt mỗi đại biểu HĐND các cấp cần tăng cường vai trò giám sát để có tiếng nói đúng lúc, đúng việc, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn tiếp theo. Nội dung giám sát cần tập trung vào: Việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Trẻ em, Luật Lao động, Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Du lịch, Luật Giáo dục và các văn bản, các cơ chế chính sách có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đánh giá tính thống nhất, đồng bộ và khả thi trong triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương; việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, trong đó chú trọng vai trò người đứng đầu, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các; các chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em…
HÀ HƯƠNG