Tăng cường đối thoại để quản lý lễ hội

Đặng Hà thực hiện 19/02/2017 08:13

“Dòng chảy của văn hóa đã có những biến đổi. Nhiều tập tục xưa còn lạc hậu hơn đâm trâu, chém lợn mà mình vẫn điều chỉnh được. Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý cần có biện pháp uyển chuyển, đối thoại và tuyên truyền để người dân tự nhận thức và thay đổi dần dần, chứ không áp đặt từng mệnh lệnh” - bà TRỊNH THỊ THỦY - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nêu quan điểm quanh câu chuyện nên giữ hay bỏ những nghi thức hiến sinh ở một số lễ hội truyền thống.

Khó, nhưng vẫn có thể thuyết phục được

- Vừa qua truyền thông và xã hội có nhiều tranh cãi về chuyện nên bỏ hay không bỏ những lễ hội có nghi thức hiến sinh, bạo lực. Theo bà, nên ứng xử thế nào với những lễ hội này?

- Thông tư 15/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác như mô tả cảnh đâm chém, chết chóc... Mùa lễ hội năm 2017 này, Bộ cũng đã kiên quyết yêu cầu các địa phương không cấp phép tổ chức những lễ hội như chọi trâu, chọi chó… Những hành động bạo lực trong lễ hội cũng kiên quyết phải loại bỏ.

Để hạn chế những hành động bạo lực diễn ra trong lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; dần loại bỏ những tập tục mang tính phản cảm, bạo lực, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc...

- Nhưng cũng có câu “phép vua thua lệ làng” và không ít người dân ở những nơi tổ chức các lễ hội như đâm trâu, chém lợn nói rằng lễ hội của họ đã có truyền thống từ trăm năm nay, không dễ “nói bỏ là bỏ được”?

“Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có chứng cứ nào trước đây từng nói khai ấn giúp thăng quan tiến chức. Thế mà người ta cứ thổi vào nó, rồi đua nhau tổ chức khai ấn khắp nơi. Di sản văn hóa của chúng ta không nằm ở những thứ bị xuyên tạc và biến tướng. Làm như thế là mình có tội với lịch sử, có tội với thế hệ mai sau...”

- Còn nhiều vấn đề nan giải lắm. Như lễ hội đâm trâu của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên liên quan đến luật tục của họ. Họ có những quy định như muốn làm trưởng làng phải tổ chức được bao nhiêu lần đâm trâu chẳng hạn. Tôi nghĩ vấn đề này phải từng bước điều chỉnh, không chỉ hành vi người dân mà còn cả quan niệm, những văn bản dưới luật liên quan đến đời sống của cộng đồng, như luật tục, hương ước, quy ước của các cộng đồng...

Trên thực tế, nhiều địa phương đã thành công trong việc tuyên truyền, thuyết phục cộng đồng. Như người dân làng Ném Thượng (Bắc Ninh) hai năm nay đã tự nguyện không thực hiện nghi thức chém lợn công khai giữa sân đình như trước, mà thực hiện ở nơi kín đáo. Người dân Yên Bái năm nay cũng không thực hiện nghi thức treo cổ trâu đến chết nữa. Như vậy, việc đó không phải là không thể làm được, đương nhiên là nó khó và cần phải có thời gian, cần sự tham gia của nhiều lực lượng. Ví dụ các nhà nghiên cứu đồng hành trong quản lý nhà nước, để tuyên truyền với người dân, giải thích cho họ rằng ở giai đoạn này nghi thức đó không còn phù hợp nữa.

Dòng chảy của văn hóa đã có những biến đổi, nhiều tập tục xưa còn lạc hậu hơn như: Đứa trẻ sinh ra nếu dị tật sẽ phải mang chôn sống, thậm chí khi mẹ chết, con cũng phải chôn theo… mình vẫn điều chỉnh được. Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý cần có biện pháp uyển chuyển, đối thoại và tuyên truyền, để người dân tự nhận thức và thay đổi dần dần, chứ không áp đặt từng mệnh lệnh.

- Có ý kiến cho rằng vì nâng cấp quá nhiều lễ hội nên bây giờ mới khó khăn trong quản lý và nên chăng “trả lễ hội lại cho người dân về phạm vi làng xã”. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Cái đó vừa đúng, vừa không đúng. Trong tình hình mới, việc tổ chức lễ hội cũng là một nét văn hóa của cộng đồng, tạo ra sức hút. Và nhất là trong thời hội nhập, hội làng không chỉ trên địa bàn của một xã, một thôn nữa. Hội làng trở thành hội nước, hội toàn cầu. Vì vậy, nếu không có sự quản lý của cơ quan nhà nước thì việc bảo đảm an toàn trật tự, vệ sinh môi trường sẽ diễn biến phức tạp. Chưa kể, còn có hiện tượng thổi phồng nó lên, khoác cho nó chiếc áo tâm linh để lôi kéo người dân tham gia càng đông càng tốt. Tôi nghĩ vẫn cần sự phối hợp từ hai phía - nhà quản lý và người dân, để bớt dần những hành vi phản cảm, bạo lực trong hoạt động lễ hội.

Ai bảo khai ấn giúp thăng quan tiến chức?

- Đi lễ hội đầu năm vốn là nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa của người  Việt, nhưng lúc này lại có câu nói vui rằng: “Tả tơi như đi xem hội”. Dưới góc độ quản lý nhà nước về lễ hội, bà nói sao về việc này?

- Trước đây người ta tham gia lễ hội rất lành mạnh, có cần phải mâm cao cỗ đầy đâu, chỉ là tỏ lòng thành kính, để cầu mưa thuận gió hòa, gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Còn bây giờ người ta thổi vào đó quá nhiều yếu tố tâm linh, để thu hút người dân, tạo hiệu ứng kích động tâm lý. Có sử sách, hay căn cứ lịch sử nào nói rằng lễ lạt nhiều là thần phật phù hộ thăng quan tiến chức, giàu sang đâu. Kể cả việc khai ấn, phát ấn ở nhiều nơi cũng có quan điểm trái chiều. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có chứng cứ nào trước đây từng nói khai ấn giúp thăng quan tiến chức. Thế mà người ta cứ thổi vào nó, rồi đua nhau tổ chức khai ấn khắp nơi. Di sản văn hóa của chúng ta không nằm ở những thứ bị xuyên tạc và biến tướng. Làm như thế là mình có tội với lịch sử, có tội với thế hệ mai sau.

Ngoài ra, một số lễ hội để xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc, do ý thức của một số người tham dự lễ hội có hành động bột phát, thể theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết về ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng...

Sau nhiều tranh cãi, hai năm gần đây, nghi thức chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không còn tổ chức công khai
Sau nhiều tranh cãi, hai năm gần đây, nghi thức chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không còn tổ chức công khai

- Một phần liệu có phải vì nhà quản lý đang chạy theo hiện tượng, thấy phản cảm thì nhắc nhở, chứ chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh, nên mới mạnh ai nấy làm, và làm lấy được, thưa bà?

- Đúng là trước đây có những chế tài nhưng rất nhẹ, chủ yếu mang tính nhắc nhở, nên hiệu lực, tính răn đe, nhất là tính giáo dục chưa cao. Bộ thấy rằng qua nhiều năm, những quy định về quản lý lễ hội trong Nghị định 103 còn thiếu. Thông tư 15/2015 của Bộ không bao quát được lĩnh vực của các ngành khác. Chính vì vậy, Bộ đã tham mưu để trình Chính phủ ban hành Nghị định mới và Chỉ thị về quản lý lễ hội, dự tính ban hành trong năm 2017. Những quy định nào còn phù hợp, gần với thực tiễn thì sẽ giữ lại, những quy định nào chưa đủ tính răn đe, hiệu lực thì sẽ được điều chỉnh để siết chặt hơn. Đó là mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước để có một văn bản mang tính tổng quan, điều chỉnh được gần như các lĩnh vực liên quan đến hoạt động lễ hội. 

Ngoài ra, Bộ sẽ kiên quyết yêu cầu các địa phương không cấp phép tổ chức những lễ hội có hoạt động biến tướng, trục lợi. Những địa phương nào quản lý lễ hội không tốt, để xảy ra những hình ảnh phản cảm, sẽ giảm tần suất tổ chức và coi đây là một căn cứ để xem xét bình xét thi đua khen thưởng công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, hiện nay còn có hiện tượng lãnh đạo ở địa phương tham gia vào ban này, ban kia để tổ chức lễ hội. Rồi họ thổi phồng, đưa ra nhiều hoạt động để tạo nguồn thu, coi mùa lễ hội là mùa kiếm tiền, thu lợi cho địa phương. Nó làm nảy sinh những biến tướng mới, cần tiếp tục chấn chỉnh, điều chỉnh lại các văn bản nhà nước để việc quản lý được dễ dàng, phù hợp với tình hình mới. Tôi nhấn mạnh, để đưa lễ hội về đúng giá trị của nó, phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng một cách lành mạnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...

- Xin cảm ơn bà!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường đối thoại để quản lý lễ hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO