Luật - Những điểm mới

Tăng cường bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:03 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Hai đã cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Quy định mới này đã góp phần tăng cường bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ta, vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và góp phần phát triển kinh tế.

Điểm mới nêu trên được Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 2 luật được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Hai sáng qua.

Bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng

Theo đó, tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 1, Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 266 của Bộ luật Hình sự cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Phó Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cũng cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo Khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Luật lần này đã sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế nêu trên với cả chỉ dẫn địa lý để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp. Điều này cũng phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện với kinh tế thế giới như hiện nay.

Trước đó, để bảo đảm thận trọng, trong quá trình xem xét, sửa đổi Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan. Qua thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt cho thấy, việc sửa đổi các quy định trên là cần thiết, nhằm tăng cường bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ta, vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và góp phần phát triển kinh tế. Việc sửa đổi này không làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu khởi tố, cũng không gây áp lực công việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn thúc đẩy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến thông tin về những điiểm mới của luật

Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng

Một trong những điểm mới nữa, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự lần này đã bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng.

Theo đó, tại các Khoản 2, 5 và 6, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Theo Phó Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, thì quy định mới này xuất phát từ tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh phải thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, dẫn tới việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ, thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong khi đây là sự việc không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Vì vậy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhấn mạnh, “việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật, kiểm soát tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội”.

Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật này và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các điều khoản cũng quy định giao Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2021.

Anh Thảo