Nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống. Liên tục trong những ngày gần đây đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Câu chuyện về mất an toàn vệ sinh thực phẩm không mới, nhưng thêm một lần nữa dấy lên sự lo ngại.
Đáng kể nhất là vụ ngộ độc tập thể ở tỉnh Đồng Nai khiến hơn 500 người bị ngộ độc. Cụ thể, theo Sở Y tế Đồng Nai, ghi nhận đến trưa 4.5 có 529 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu và có tiền sử ăn bánh mì bán ở tiệm Băng vào hai ngày 30.4 và 1.5. Bệnh nhân chủ yếu đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và sốt, được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột. Hiện, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 8 ca tình trạng nặng. Trong đó, hai bé 6 tuổi và 7 tuổi đang thở máy, lọc máu. Số còn lại được truyền dịch, sử dụng kháng sinh, thở oxy, điều chỉnh các rối loạn.
Hay sự việc xảy ra tại TP. Thái Bình mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu, vào ngày 1-2.5, tại nhà ông H. ở phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình, đã có một buổi tiệc gia đình để chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con. Buổi tiệc có sự tham gia của khoảng 120 người và trong thực đơn có món tiết canh dê. Sau bữa tiệc, một số người bắt đầu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, và một số triệu chứng nặng hơn. Đáng nói, một người đã tử vong và được xác định là do nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi nặng, có tiền sử ăn tiết canh tại buổi tiệc gia đình.
Chị Hoàng Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mới đầu hè đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể khiến tôi vô cùng bất an. “Nhưng có một nghịch lý trớ trêu là, “lo ngại nhưng vẫn phải ăn” bởi cũng không có cách nào khác khi thực phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn được bày bán tràn lan” chị Hương chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hùng, Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm y tế TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển (vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C), dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Đặc biệt, đây là mùa côn trùng gây hại phát triển mạnh, mang theo các mầm bệnh lây qua đường ăn uống. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố. Trong khi đó, tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc; ngày càng có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu; quy trình chế biến không nghiêm ngặt… Đặc biệt, vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống không ngần ngại nhập hàng không rõ nguồn gốc. Tất cả các yêu tố đó cộng lại khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng càng tăng
Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I.2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong tháng 3.2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc.
Trước nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, ngày 3.5 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, ngộ độc rượu; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc và thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định….UBND tỉnh, thành phố có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; đồng thời, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm…
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị chức năng liên quan triển khai các biện pháp giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, giám sát; trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình...
Có thể thấy, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm luôn được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát nhưng một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là mặc dù đã có nhiều quy định, giải pháp nhưng việc kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn là một bài toán khó giải quyết.
Cùng với sự tăng cường quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự mình nâng cao ý thức, nhận thức hơn nữa về an toàn thực phẩm. Nếu chỉ lơ là, tặc lưỡi, xuê xoa với bất kỳ một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào – dù là nhỏ, cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của chính mình và người thân.