Tăng chế biến rau quả để xuất khẩu chính ngạch

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:49 - Chia sẻ
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, năng lực sơ chế trong nước đối với mặt hàng rau quả hiện mới đáp ứng được khoảng 8,4 triệu tấn, xấp xỉ 30% so với sản lượng 28 triệu tấn mỗi năm. Việc nâng cao năng lực sơ chế sẽ giúp gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch.
Năng lực sản xuất rau quả của nước ta hiện đạt khoảng 28 triệu tấn/năm
Năng lực sản xuất rau quả của nước ta hiện đạt khoảng 28 triệu tấn/năm

Mỗi năm sản xuất 28 triệu tấn rau quả

Tại Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả” sáng 13.1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, Bộ tập trung phát triển, xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn để phục vụ chế biến và xuất khẩu cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với các hợp tác xã. Riêng năm 2021, Bộ đã thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn (gồm trái cây, cà phê, gỗ thủy sản…) để làm cơ sở nhân rộng ra cả nước.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, năng lực sản xuất rau quả của nước ta khoảng 28 triệu tấn/năm, trình độ công nghệ chế biến ở mức trung bình tiên tiến. Thống kê gần nhất cho thấy, cả nước có 237 doanh nghiệp chế biến rau quả, năng lực sơ chế đạt 30%. Giai đoạn 2018 - 2020 có 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Đáng chú ý, năm 2019 tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm rau quả thô là 90% nhưng đến năm 2020 - 2021, xuất khẩu qua chế biến đã tăng lên, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là bước tiến và tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa, phải tận dụng cơ hội khi xu hướng hiện nay của giới trẻ tại thị trường Trung Quốc là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, ông Toản nói.

Riêng về rau, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, tổng sản lượng một năm khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý I hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng của quý. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I.2022 là 2,5 triệu tấn. Khu vực Tây Nguyên thừa nhiều nhất với hơn 900 nghìn tấn. Trong khi đó, lợi thế của phía Nam là cây ăn quả và rau quanh năm. Sản lượng cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam nhưng khu vực này còn ít cơ sở chế biến, và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

Linh hoạt cách thức xuất khẩu

Với nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chế biến rau quả còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn đang đặt ra là dịch vụ hậu cần (logistics). Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và tập trung ở các cửa khẩu tại Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai. Xuất khẩu qua đường bộ phù hợp với số lượng nhỏ, “cơ động” kiểu từ nhà vườn lên thẳng biên giới nhưng năng lực thông quan thấp, dễ bị ùn tắc khi vào chính vụ. Do đó, ông Hải khuyến cáo doanh nghiệp tính toán theo hướng lâu dài, sử dụng các phương thức vận chuyển khác như đường biển, đường sắt để tiêu thụ ổn định, giảm bớt rủi ro. Để chuyển đổi xuất khẩu sang đường biển hiệu quả, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bảo đảm chất lượng của phía nhập khẩu.

Một vấn đề khác được Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn chỉ ra là liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất còn lỏng lẻo nên hiệu quả chế biến rau quả, đặc biệt là chế biến sâu chưa cao. Bên cạnh đó, do trình độ công nghệ còn hạn chế nên việc vận chuyển, bảo quản nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, rau quả dễ hư hỏng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn (khoảng 20%).

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods cho rằng, vấn đề cối lõi là kết nối thị trường nên rất cần có những trung tâm tiếp nhận thông tin, sau đó phân bổ cho các vùng trồng để có thể kiểm soát vùng trồng và thị trường. Cùng với đó, cần truyền thông nâng cao nhận thức của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến rau quả, cần có sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... Bên cạnh xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến công tác phối hợp với các nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Minh Trang