Tân Hiệp Phát đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023
Đưa vào hoạt động 4 nhà máy sản xuất nước giải khát trên cả ba miền đất nước, là doanh nghiệp duy nhất trong nước sở hữu 10 dây chuyền khép kín vô trùng Aseptic tối tân, có hơn 2.500 đối tác lớn trong và ngoài nước, sản phẩm đã xuất khẩu tới gần 20 thị trường… Đây là tiền đề quan trọng để tập đoàn Tân Hiệp Phát hướng đến mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023.
Sau 25 năm hình thành và phát triển, từ nhà máy đầu tiên tại Bình Dương, đến nay, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có thêm ba nhà máy phân bố ở ba miền đất nước với tổng công suất các nhà máy lên tới hàng tỷ triệu lít nước giải khát/năm. Đó là nhà máy Number One Hà Nam (khánh thành năm 2014), nhà máy Number One Chu Lai (năm 2016) và nhà máy Number One Hậu Giang (vừa khánh thành ngày 14.3).
Đáng nói, hiện Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sở hữu 10 dây chuyền khép kín vô trùng Aseptic tối tân nhất thế giới của tập đoàn GEA. Chính công nghệ này đã góp phần làm thay đổi thị trường giải khát Việt bằng những thức uống giải khát có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe, không chất bảo quản, màu công nghiệp và giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao nhất, hương vị đặc trưng tự nhiên nhất.
![]() Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sở hữu 10 dây chuyền khép kín vô trùng Aseptic của tập đoàn GEA |
Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh chia sẻ: "Trong bối cảnh thị trường nước giải khát ngập tràn thương hiệu ngoại, lợi thế của Tân Hiệp Phát chính là sự thấu hiểu thị trường và người tiêu dùng hơn. Bằng chứng của Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đầu tiên khai phá ra thị trường ngách ở phân khúc thức uống giải khát có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe với các loại trà đóng chai – điều mà trước đó một số thương hiệu ngoại không làm được".
Ông cho biết thêm, sản phẩm Trà xanh không độ đã làm thay đổi thói quen uống trà của người Việt khi được tung vào năm 2006. Trước đó, một số thương hiệu ngoại đã từng cố gắng hợp tác để tung ra sản phẩm trà xanh đóng chai vào năm 2000 và năm 2002, nhưng đều không hiệu quả. Đến 2005, các thương hiệu này quyết định rút chân khỏi thị trường trà đóng chai. “Ở thời điểm đó, người ta quan niệm người tiêu dùng chỉ đơn giản không sẵn sàng trả tiền cho thứ mà họ đã quen được hưởng miễn phí ở bất kỳ quán cóc, hay cả nhà hàng cao cấp nào”, ông nói.
Hiện, Tân Hiệp Phát đã xuất khẩu các sản phẩm tới gần 20 thị trường trên thế giới như EU, Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc… Tập đoàn đang hướng tới xuất khẩu toàn cầu với vạch đích là tăng tỷ lệ xuất khẩu lên 10% vào năm 2023. Đồng thời, Tân Hiệp Phát định hình thời gian tới trở thành doanh nghiệp có nhà máy ở một hoặc hai quốc gia trên thế giới. Khi đó, Tân Hiệp Phát ở Việt Nam sẽ là headquater (trụ sở chính).
![]() Tân Hiệp Phát đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023 |
Theo báo cáo đánh giá, ngành thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 15% GDP cả nước và có xu hướng tăng lên. Tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn vào giai đoạn 2016 – 2019, khả năng Việt Nam đứng thứ ba châu Á.
Riêng ngành đồ uống dự báo tăng 6% đến năm 2020, công nghiệp đồ uống tại Việt Nam là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất. Tiêu thụ nước giải khát ước tính đạt 81,6 tỷ lít vào năm 2016 với triển vọng đạt 109 tỷ lít vào năm 2020.
Ở phân khúc nước giải khát, Tân Hiệp Phát đang dẫn đầu thị trường đồ uống có nguồn gốc tự nhiên, có lợi cho sức khỏe. Phân khúc này đang vượt lên dẫn đầu trong ngành giải khát bởi người Việt ngày càng quan tâm tới sức khỏe hơn.
Việc liên tục đầu tư và đưa các nhà máy vào sản xuất, các sản phẩm giải khát của Tân Hiệp Phát đạt những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, không chất bảo quản, không màu công nghiệp, chất lượng sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận FDA của Cục quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ. Đồng thời, điều này cũng sẽ là tiền đề quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2023 của Tập đoàn.