Nhiều quốc gia chú trọng đầu tư trong nước
- Tình hình thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm như thế nào, thưa ông?
- Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20.3.2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ…
Về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 37,7%) và điều chỉnh vốn (chiếm 61,7%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần cao nhất, chiếm 42,5%.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay, lợi thế của nước ta là có chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư, nền chính trị ổn định... để thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, có lẽ những thuận lợi này được đề cập nhiều trong khi lại ít nói đến thách thức.
- Cụ thể là những thách thức nào, thưa ông?
- Về tác động từ bên ngoài, xu hướng toàn cầu hóa đang được đẩy mạnh, nhiều nước bảo hộ mậu dịch, không khuyến khích đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài. Hiện nay, các nước có đầu tư ra nước ngoài nhiều như Mỹ, EU, Nhật Bản đang cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng đầu tư trong nước nhiều hơn. Do lạm phát cao, tăng trưởng thấp, thất nghiệp nhiều nên họ phải tăng cường đầu tư để có doanh nghiệp trong nước tạo ra việc làm, từ đó giải quyết vấn đề thất nghiệp.
Cuộc xung đột Ukraine với Nga, cuộc chiến tranh dải Gaza, gần đây là biển Đỏ dẫn đến chi phí vận tải ra nước ngoài rất cao cũng là lý do khiến các nước này coi trọng đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn đang thay đổi chiến lược kinh tế đối ngoại, thay đổi định hướng đầu tư ra nước ngoài, vì vậy Việt Nam không phải lúc nào cũng là điểm đến với tất cả các tập đoàn lớn.
Ngoài ra, do xung đột địa chính trị nên chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đã thay đổi, phải cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu cũng làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Từ bên trong, nước ta mặc dù được các nước đánh giá cao về tiềm năng thu hút FDI nhưng chúng ta cũng có những điểm bất lợi về nguồn năng lượng, thủ tục hành chính dù có nhiều cải cách nhưng vẫn còn phiền hà; nhiều cơ chế, chính sách không tương xứng với định hướng nêu ra…
Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông
- Vậy liệu năm 2024 nước ta có thể đột phá về thu hút FDI hay không?
- Dù còn nhiều thách thức, nhưng cả năm 2024 có thể yên tâm tận dụng lợi thế mới như tài nguyên đất hiếm, chính trị ổn định, các nước rất coi trọng vị thế và tiềm năng của Việt Nam... để thu hút thêm đầu tư FDI.
Tuy có cơ hội mới nhưng nếu không làm tốt để đáp ứng yêu cầu của tập đoàn lớn thì không thể thu hút đầu tư theo định hướng mới của chúng ta vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) hay công nghiệp bán dẫn… Nếu không biết nắm bắt thì cơ hội sẽ trở thành thách thức.
- Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, theo ông cần phải làm gì?
- Có 4 nhóm giải pháp phải tập trung thực hiện. Đầu tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Hiện nay chúng ta đang làm, nhưng vẫn nổi lên vấn đề là thực thi thể chế còn hạn chế, khắc phục chậm. Do đó, trong thực thi thể chế phải có thang điểm, có cách đánh giá gắn liền với phân cấp, phân quyền, đặc biệt là phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Thứ hai,Việt Nam hiện nay đầu tư hạ tầng giao thông nhiều nhưng hàng không đang quá tải, trong khi đường sắt chưa được đầu tư tương xứng. Nếu chỉ tập trung làm đường bộ, không làm đường sắt cao tốc và không làm nhanh thì không thể giải quyết được nút thắt logistics như hiện nay. Do đó, cần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư hạ tầng năng lượng xanh, sạch; hạ tầng số như kinh tế số, Chính phủ số...
Thứ ba,hiện nay nhân lực chất lượng cao chúng ta không thiếu nhưng để đáp ứng nhân lực chất lượng cao thì phải đào tạo nhanh, đặc biệt ngành bán dẫn. Vừa qua, Chính phủ công bố kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư, 500.000 công nhân lao động, có kế hoạch cụ thể là hợp tác với Mỹ, phân công cho các trường đào tạo cho các trường Việt Nam thực hiện. Đây là kế hoạch đầy hoài bão, nên phải coi trọng chất lượng, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, phải tuyển chọn người có năng lực thực sự.
Cuối cùng làtiếp tục thúc đẩy cải cách nền hành chính, cắt giảm những thủ tục không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!