Xuất nhập khẩu tăng hơn 56% sau 5 năm thực thi CPTPP
Tại Hội thảo “CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các đối tác châu Mỹ” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2.10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá, sau 5 năm có hiệu lực (tháng 1.2019), CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, Peru.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ tăng 56,3%; từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên 13,6 tỷ USD trong năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD vào năm 2023; xuất siêu cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD. Kết quả này góp phần đáng kể vào thương mại Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 114,5 tỷ USD.
Bên cạnh những con số ấn tượng, việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, CPTPP là hiệp định có tính đột phá. Trước đây, doanh nghiệp rất khó thâm nhập thị trường Canada, Mexico… nhưng sau khi CPTPP có hiệu lực, ngành dệt may đã có bước đột phá vào các thị trường này và tăng trưởng cực kỳ tốt. CPTPP cũng tạo ra cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành kéo sợi, dệt lụa.
CPTPP cũng tác động tích cực tới ngành thủy sản. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, quy mô xuất khẩu của ngành là 10 tỷ USD thì thị trường CPTPP đạt 2 - 2,5 tỷ USD. Năm 2022, sau đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất các ngành đều tăng, trong đó thủy sản tăng hơn 20% so với năm 2021, nhưng riêng khối CPTPP tăng 30,6%. Năm 2023, do lạm phát nên xuất khẩu sang đa số thị trường đều sụt giảm mạnh ở mức hơn 20%; nhưng khối CPTPP chỉ giảm 16,4%. Những con số này cho thấy, CPTPP là thị trường quan trọng, là trợ lực lớn của ngành thủy sản và ngành vẫn sẽ có nhiều cơ hội, dư địa vào khối thị trường này.
Tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh cho biết, các nước thành viên Hiệp định CPTPP đang tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ việc thực thi Hiệp định này nhằm tạo ra không gian hợp tác mới. Quá trình thực thi hiệp định cũng cho thấy, dư địa để tăng trưởng, trao đổi thương mại còn rất lớn, trong đó, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước CPTPP còn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác cũng xin gia nhập sẽ tạo thêm cơ hội phát triển hợp tác.
Để nắm bắt những cơ hội CPTPP đang và sẽ mang lại, ông Ngô Chung Khanh khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ lợi ích cũng như cách thức tận dụng CPTPP. Đối với các đối tác châu Mỹ, khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí gia tăng cũng là một rào cản đáng kể để quyết định của các doanh nghiệp Việt. Theo đó, cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, cơ chế hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Mỹ; xây dựng kết nối doanh nghiệp Việt với các nước để mở rộng ý tưởng hệ sinh thái tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời tiếp tục tăng cường định hướng xuất khẩu xác định lĩnh vực trọng tâm, không dàn trải...
Từ góc độ doanh nghiệp Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, chi phí tuân thủ các quy định ngày càng tăng, "ăn mòn" lợi thế về thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bà Xuân mong muốn hệ thống thương vụ nước ngoài và hệ thống xúc tiến thương mại của các nước kết nối với nhau để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Tương tự, VASEP cũng mong đợi có thêm nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thủy sản ở khu vực châu Mỹ.