Tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc

Hương Linh 25/09/2023 14:26

Từ thực tế địa phương, đại biểu tham dự Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2023 đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mong muốn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong vùng.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với tổng diện tích khoảng 116.898km2, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của cả nước. Toàn vùng có khoảng 14,7 triệu người chiếm 15,2% dân số cả nước, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của 30 dân tộc như: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, La Hủ, Hà Nhì, Giáy, Cống… trong đó dân tộc Kinh chiếm 43,8%, các dân tộc thiểu số còn lại chiếm 56,2%.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc

Theo ông Đặng Hồng Quân, người uy tín dân tộc Dao, thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách đúng đắn của Nhà nước, các chương trình, dự án có hiệu quả như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xóa nhà dột nát, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đến với người dân và thực sự phù hợp với lòng dân. “Từ những chương trình, dự án của Nhà nước, tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người dân đã thay đổi. Nhân dân đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc, cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang. Bà con đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, thực hiện nếp sống văn minh” - ông Đặng Hồng Quân chia sẻ và cho biết từ một làng quê nghèo, hôm nay đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: Quang Vinh
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Ông Quân kiến nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho đồng bào các dân tộc thiểu số như trường học, trạm y tế... “Trong thực hiện đầu tư các chương trình, dự án, cần triển khai tập trung, có trọng điểm, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tỉnh lộ để nhân dân giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc”.

Từ thực tế tại địa phương, Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu, dân tộc Bố Y, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cho biết, hiện nay, một số nét đẹp văn hóa và các hình thức sinh hoạt như trò chơi dân gian và các bài hát dân ca có tình trạng bị lãng quên và mai một; trang phục truyền thống bị thay đổi, không còn nguyên vẹn so với đặc trưng văn hóa của vùng. Mặt khác, học sinh từ nhỏ đã làm quen với môi trường giáo dục hiện đại, tiếp xúc với tiếng Việt, nên ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ…

Vì vậy, “Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đưa nội dung phổ biến ngôn ngữ, văn hóa dân tộc vào trường học và mời các nghệ nhân am hiểu văn hóa của từng dân tộc vào giảng dạy; tiếp tục vận động nhân dân dân tích cực, chủ động tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc”, Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu kiến nghị.

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Sừng Sừng Khai, dân tộc Hà Nhì, người uy tín xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết, phát huy vai trò của người uy tín, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế - xã hội thông qua các mô hình kinh tế cụ thể. Để thuyết phục được bà con, bản thân ông cùng gia đình luôn đi đầu trong việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn như mô hình chăn nuôi gia xúc, trồng cây sa nhân, trồng cây quế…

Ông Sừng Sừng Khai đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phương thức sản xuất, kinh doanh để bà con vươn thoát nghèo; đồng thời tiếp tục duy trì, thực hiện tốt cơ chế chính sách cử tuyển để con em đồng bào có điều kiện được học tập tại các trường Đại học sau này về phát triển quê hương. “Đảng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng lối mở A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu song phương, tạo điều kiện cho bà con thông thương hàng hóa. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư xây dựng đường giao thông thuận lợi đến các xã, bản; đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên để nhân dân trên địa bàn có điều kiện giao thương, giao lưu văn hóa và học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Nêu thực tế về những khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, bà Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, cho biết, chính sách quy định các hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có vốn đối ứng, tùy từng lĩnh vực đối ứng từ 30 - 50%. “Đã là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì lấy đâu ra vốn đối ứng. Từ khó khăn này dẫn đến khó khăn cho việc liên kết chuỗi và thu hút với các doanh nghiệp vào đầu tư vào sản xuất”.

Bà Chướng chia sẻ thêm, đối với các xã đã đạt nông thôn mới nhưng các hộ dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về thẻ bảo hiểm y tế. Vì không có thẻ bảo hiểm y tế nên khi ốm đau người dân không dám đi viện vì không có tiền. “Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm bớt khó khăn trong khám chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO