Nghệ thuật tạo tác tượng Phật

Tâm thức và trí tuệ Việt

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:34 - Chia sẻ
Theo nhà nghiên cứu, PGS.TS. Trang Thanh Hiền, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh việc dựng nên ngôi chùa để làm thành một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng, nơi chốn để thực hành các nghi lễ, thì chùa Việt có thể xem là một thực thể hàm chứa đầy đủ giá trị văn hóa của người Việt, từ tri thức dân gian đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… Đặc biệt, nghệ thuật tạo tác tượng Phật ghi nhận sự sáng tạo độc đáo của người Việt để tôn vinh, hoằng dương Phật pháp đến quảng đại chúng sinh.

Sáng tạo độc đáo của người Việt

- Lịch sử Phật giáo ra đời và phát triển cho đến nay đã trải hàng ngàn năm, song hành với nó là nghệ thuật tạo tác tượng Phật với hàng trăm biểu tượng để sùng tín, tưởng niệm và hành pháp. Nghiên cứu về nghệ thuật tạo tác tượng Phật, chị thấy nghệ thuật tạo tác tượng Phật Việt Nam như thế nào?

- Ở mỗi quốc gia, việc tạo tác tượng Phật mang những đặc điểm riêng phù hợp với văn hóa và thẩm mỹ của quốc gia đó. Nằm trong dòng chảy của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo châu Á, dù rằng các tác phẩm tượng Phật Việt không có quy mô hay kích thước đồ sộ, nhưng với những di sản khiêm nhường cha ông ta sáng tạo nên, ta hoàn toàn có quyền tự hào. Từ các điêu khắc tượng Adida ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), đến những pho tượng chùa Tây Phương (Hà Nội)... đã khắc họa nên một diễn trình Phật giáo đầy ý nghĩa, đậm biểu tượng bản sắc Việt.

Nghệ thuật tạo tượng ở Việt Nam chủ yếu dựa trên kinh nghiệm dân gian truyền đời, mà ít khi dựa vào sách vở. Chính lối thức truyền nghề này mà điêu khắc Phật giáo Việt, dẫu có ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Trung Quốc từ hệ thống sách vở thì cũng đã Việt hóa những nguyên tắc đó thành công thức riêng của người Việt để tạo tượng Phật Việt. Chưa kể, trên các tác phẩm đó, dấu ấn văn hóa, hệ thống biểu tượng đã ghi nhận sự sáng tạo độc đáo của người Việt để tôn vinh Phật pháp, hoằng dương các tư tưởng cao cả đến quảng đại chúng sinh. Và trên hết, ẩn chứa trong các pho tượng Việt là tâm hồn Việt, trí tuệ Việt và ý thức giải Hoa mạnh mẽ. Điều này đã khiến cho điêu khắc Việt vừa tiếp nhận tinh hoa nghệ thuật thế giới vừa khắc họa dấu ấn riêng khó nhầm lẫn trong dòng chảy nghệ thuật châu Á.


Tượng Quan Âm Chuẩn Đề ở chùa Thầy Hà Nội

- Nếu gạt qua tất cả ngữ nghĩa của những câu chuyện truyền thuyết Phật giáo, dường như các hình tượng điêu khắc trong chùa Việt còn phản ánh sinh động đời sống và nhân sinh quan của người Việt?

- Đúng vậy. Các hình tượng hiện ra với nhân tướng khác nhau, từ trẻ sơ sinh cho đến vua, quan, lính, dân... Bởi vậy mà nhiều khi người Việt không thực sự hiểu hết những hình tượng, truyền thuyết nhân thân của các pho tượng đã tồn tại hàng trăm năm trong các ngôi chùa, thì các nhân vật đó vẫn hiện diện trong đời sống tâm linh, tinh thần của họ như một sự cứu rỗi, như một chốn nương náu để tìm về.

Trong vô số hình tượng đó, nổi bật là hình tượng người mẹ Việt hiện diện trong các pho tượng Quan Âm, Bồ Tát, vừa quý phái nhưng cũng thật gần gũi, nhân từ, rộng lượng. Họ là tấm gương về lòng từ bi, đức hy sinh của các bà mẹ Việt, và người Việt đặt họ ngự trên ngôi vị tôn quý để cứu giúp những linh hồn nhân gian và phò trợ cho các thế hệ trưởng thành. Cũng bởi vậy nên, hình tượng của các bà đã được đồng nhất với các nhân vật trong huyền sử của người Việt như bà Đỗ Quí Thị - Hương Vân Cái Bồ Tát, bà Hồng Đăng Ngàn - Âu Cơ... Đây chính là tâm thức để người Việt xây dựng nên hình tượng Phật - Mẫu trong các ngôi chùa, chỉ có trong văn hóa Việt và nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt.

Phát huy di sản của cha ông

- Qua nghiên cứu của chị, pho tượng Phật sớm nhất được biết đến ở Việt Nam là từ bao giờ?

- Những pho tượng Phật sớm nhất được biết đến ở Việt Nam hiện nay có niên đại khá muộn, khoảng thế kỷ XI, trong khi đó sách vở, thư tịch ghi chép về Phật giáo ở Việt Nam lại khá sớm. Một trong những pho tượng Phật sớm nhất trong nghệ thuật Phật giáo Việt còn lại đến ngày nay là pho tượng Adida ở chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh). Pho tượng này có thể xem là chuẩn mực nhất so với ba pho tượng có niên đại thời Lý còn sót lại, giúp chúng ta hình dung về các nguyên tắc tạo tác tượng Phật giai đoạn này. Thời Trần, gần như không còn dấu tích nào về tượng Phật. Nghệ thuật Phật giáo thời Lê sơ thì hoàn toàn vắng bóng.

Chỉ đến thời Mạc, với sự phục hưng của Phật giáo, nghệ thuật tạo tác tượng Phật đã cho ra đời những tác phẩm được xem là di sản của người Việt còn lại đến ngày nay. Lúc này, nghệ thuật tạo tác tượng Phật cũng đã khác xa với các nguyên tắc tạo hình mà chúng ta đã biết đến trong thời Lý với ảnh hưởng đậm nét từ nghệ thuật Ấn Độ thông qua Chămpa. Các tác phẩm nổi tiếng như: Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy (Hà Nội), Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), 18 vị Tổ ở chùa Tây Phương (Hà Nội)…

Các tác phẩm điêu khắc phong phú và vô cùng sinh động này cho thấy nghệ thuật Phật giáo Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo thời Minh Thanh (Trung Quốc). Dẫu vậy, điều thú vị là dù không ngừng tiếp nhận các nguồn ảnh hưởng trải qua bao thế kỷ, nghệ thuật Việt qua bàn tay tài hoa của những người thợ đã đồng hóa chúng để làm nên các giá trị bản sắc Việt độc đáo.

- Nghiên cứu về nghệ thuật tạo tác tượng Phật từ năm 2014 và kết quả là cuốn sách “Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt” ra mắt cuối năm 2019, chị mong muốn điều gì?

- Như đã nói ở trên, nghệ thuật điêu khắc tượng Phật, và cả kiến trúc chùa Việt, là một phần của văn hóa, tâm thức Việt, với những nét đặc sắc riêng có. Đặt nghệ thuật Việt trong dòng chảy đa dạng phong phú và rực rỡ của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo châu Á là cách để chúng ta thấy rõ hơn vị thế của mình, cùng những sáng tạo độc đáo của người Việt, góp một tiếng nói đặc sắc trong dòng chảy đó. Hy vọng chuyên khảo này sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, một phần di sản rực rỡ của cha ông để lại cho hậu thế. Trong sự hội nhập thế giới hiện nay, hơn bao giờ hết việc bảo tồn và phát huy các di sản của cha ông chính là nghĩa vụ của chúng ta. Tiếp thu các tinh hoa thế giới để văn sức cho điêu khắc Việt, nghệ thuật Việt được rạng rỡ trên nền tảng mà cha ông ta đã dựng nên từ ngàn thủa.

- Xin cảm ơn chị!

Hương Linh thực hiện