Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025:

Tầm nhìn mới về phát triển "tam nông"

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:44 - Chia sẻ
Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử. Khẳng định điều này, thảo luận tại hội trường sáng qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới cần hướng đến nấc thang cao hơn, có chất lượng hơn, với tầm nhìn mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

"Chìa khóa" là chất lượng nguồn nhân lực

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn vừa qua đã đạt được những thành tựu rất tích cực, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân...

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nêu thực tế, vẫn còn tình trạng "chạy" theo thành tích để đạt chỉ tiêu theo phân bổ ngân sách hay tình trạng cho nợ tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là những tiêu chí về môi trường, nước sạch, giao thông, trường học...

Một số tồn tại khác cũng được các ĐBQH chỉ ra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nên cần thường xuyên cập nhật, tổng kết, đánh giá để khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, giải quyết được các vấn đề mới, thách thức mới trong bối cảnh phát triển mới.

Nhấn mạnh tinh thần này, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình cần hướng đến nấc thang cao hơn, có chất lượng hơn, với tầm nhìn mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nhấn mạnh đến việc nâng cao đời sống của người dân nông thôn. ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này thì song song với đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn phải xác định đầu tư cho phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, từ đây, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao, bền vững, giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp, trên quê hương của mình.

Theo ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh), đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được xem là "chìa khóa" cho việc triển khai thành công Chương trình trong giai đoạn tới bởi thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực lao động ở nông thôn nhìn chung còn thấp, lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 24,5%. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, rộng với kinh tế quốc tế, nông dân phải "gánh" nhiều vai, vừa sản xuất, vừa tiếp thị, vừa hạch toán vừa quản lý. Do vậy, đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ; cập nhật các kiến thức về pháp luật, quản lý, quản trị để nông dân Việt Nam thực sự là người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng tư duy công nghiệp.

Có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn như: xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn linh hoạt hơn, cập nhật hơn cho người lao động vùng nông thôn; trang bị các kiến thức về thị trường, về hội nhập quốc tế và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để có các chương trình hiệu quả hơn, thiết thực hơn cho cán bộ địa phương và người dân. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất, cần có các cơ chế chính sách thực sự đổi mới như chính sách về đất đai, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ quan nghiên cứu khoa học để cùng với các địa phương đồng hành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả. Tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Có như vậy mới có thể tăng được thu nhập cho người dân.

"Nông dân mới" là chủ thể của "nông thôn mới"

Giải trình làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, một trong những "cái bẫy" trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua chính là từ tên của chương trình. Chính quyền nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, thấy chữ “xây dựng” nghĩa là liên quan tới công trình, hạ tầng… mà thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân nông thôn qua sinh kế. 

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những giá trị mới của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới là: vừa tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận với các tiện ích của đô thị vừa chú trọng hơn nữa đến các “phần mềm”, các mục tiêu mới. Trong đó, phải gắn kết được tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Không thể tách rời hai phần này vì cơ cấu lại nông nghiệp chính là động lực để xây dựng nông thôn mới, là nền tảng và nông dân là chủ thể của ba trụ cột phát triển nông nghiệp bền vững.

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trong đó, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra động lực phát triển nông thôn. “Chúng ta bắt đầu tư duy bền vững, tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường, vì chính chỗ đó mới là bền vững”, Bộ trưởng nói. 

Cùng với đó, thời gian tới, cần chú ý tới "tri thức hóa" nông dân để nông dân làm chủ thể quá trình xây dựng nông thôn mới, làm chủ vận mệnh của mình. “Xây dựng cơ sở hạ tầng cần một nền móng chắc thì công trình mới bền vững. Chúng ta xây dựng nông thôn mới cũng cần một nền tảng từ chủ thể là người nông dân được tri thức hóa, được thay đổi thì “nông thôn mới” mới có thể phát triển bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, chính đội ngũ lãnh đạo ở cấp xã mới quyết định sự thành công của Chương trình, để chuyển hóa được những "phần mềm", những giá trị mới của chương trình. Theo ông, cán bộ trung ương, tỉnh, huyện xuống cơ sở rồi cũng về, người gần gũi, thường xuyên hằng sáng ra đồng, chiều, tối cùng ngồi với người dân để lắng nghe, thấu cảm, tìm những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, trong kinh doanh, trong kết nối thị trường để thay đổi tập quán của bà con chính là cán bộ cấp xã. Vì thế, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ có một chương trình tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã để tiếp cận được những giá trị mới của Chương trình.

Nhật An