Từ nền tảng “không gì so sánh được”
70 năm sau Ngày Giải phóng, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội đã giành được những thành tựu to lớn. Thủ đô hôm nay đã có tầm vóc, vị thế mạnh mẽ, là tiền đề vững chắc để bứt phá, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khẳng định này đã được nêu ra tại hội thảo “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 7.10.
Theo GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt, Thăng Long (Đông Đô, Đông Kinh) luôn luôn là kinh đô, là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của cả nước.
Thăng Long thực sự là không gian lịch sử - văn hóa hội tụ, giao lưu, kết tinh và lan tỏa lớn nhất, mạnh nhất, quan trọng và tiêu biểu nhất trong suốt kỷ nguyên văn minh Đại Việt và mãi về sau. Vị thế này của Hà Nội chính là nền tảng quan trọng, “không gì so sánh được”.
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, 70 năm qua là khoảng thời gian không dài so với lịch sử Thăng Long nghìn năm văn hiến nhưng lại vô cùng quan trọng. Đó là thời gian Việt Nam mở ra trang sử mới sau chiến thắng Điện Biên phủ, chấm dứt ách đô hộ gần thế kỷ của thực dân Pháp, lập lại hòa bình thực sự ở miền Bắc Việt Nam, sau hơn hai mươi năm là sự kiện Thống nhất non sông, để rồi Đổi mới và phát triển thần kỳ.
“Nhận thức về văn hóa nói chung và văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng có bước đổi mới rất cơ bản, tiến bộ về cả tư duy lẫn hoạt động thực tiễn. Ở Thủ đô Hà Nội, văn hóa đã có vị trí mới trong phát triển bền vững, có những thành tựu đáng ghi nhận cả về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…” - TS. Nguyễn Viết Chức nhận định.
Văn hiến - văn minh - hiện đại
Không nghi ngờ gì về chiều kích to lớn của tiềm năng, tính phong phú đa dạng, mức độ đặc sắc và sự khác biệt về lợi thế phát triển của Hà Nội so với các địa phương khác trong cả nước, cũng như trong tương quan so sánh quốc tế ở nhiều chiều cạnh. Nêu quan điểm này, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng quan trọng nhất hiện nay là Hà Nội biết tận dụng các giá trị để phục vụ công cuộc phát triển bền vững.
PGS.TS. Trần Đình Thiên phân tích, sự khác biệt và tính “đẳng cấp” của các lợi thế phát triển mà Hà Nội sở hữu thực sự là đặc điểm trội bật. Tuy nhiên, nếu nhấn mạnh quá mức “giá trị truyền thống” sẽ chứa đựng nguy cơ xem nhẹ khía cạnh “tương lai”. Quan điểm đó thường tập trung ưu tiên cho mục tiêu khai thác tài nguyên và các nguồn lực sẵn có hơn là khuyến khích đổi mới, trí tuệ sáng tạo.
“Đây là vấn đề Hà Nội cần đặc biệt chú ý vì Hà Nội có cả “lợi thế truyền thống” lẫn “động lực sáng tạo tương lai” vượt trội. Sự thiên lệch, không coi trọng đúng mức bất cứ lợi thế nào đều làm cho Hà Nội không thể phát huy đầy đủ và hiệu quả nguồn lực và lợi thế phát triển của mình”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thành tựu phát triển của Hà Nội suốt thời gian qua đã thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô hay chưa? Cơ hội của Hà Nội trong kỷ nguyên mới là gì? Trả lời các câu hỏi này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Hà Nội đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với thời cơ lịch sử mở ra, như đã được khẳng định trong nhiều văn kiện đường lối và chiến lược của Trung ương và Hà Nội. Thế giới chuyển sang một thời đại phát triển mới đặt ra mọi quốc gia, mọi chủ thể phát triển trước vạch xuất phát mới, với những thách thức và cơ hội phát triển có nội dung và bản chất khác trước.
Yêu cầu vượt qua thách thức và hiện thực hóa cơ hội đòi hỏi những điều kiện và năng lực phát triển mới và khác, phải có tầm nhìn, cách tiếp cận và logic phát triển mới. Trong không gian phát triển hiện đại đầy hứng khởi, chức năng đi đầu - vượt trước và dẫn dắt phát triển của Hà Nội càng nổi bật.
“Tại điểm ngoặt then chốt này, càng nổi bật lên lợi thế phát triển đặc biệt của Hà Nội - nghìn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa của một dân tộc thông minh, giàu năng lực ứng biến và sáng tạo. Vấn đề là tầm chiến lược, Hà Nội cần ưu tiên tập trung điều gì, nhấn vào đâu để bung sức bứt phá chứ không phải dàn trải, thong thả mà tiến thì khó đáp ứng kỳ vọng”, PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn, dành ưu tiên về nguồn lực để khai thông, tạo đột phá, không gian mở, cơ hội phát triển mới cho Hà Nội, trong đó, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người. Nói như GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc: “Nguồn lực con người giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại”.