Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII

Tâm huyết và trách nhiệm

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:42 - Chia sẻ
Trong không khí dân chủ, với tinh thần trách nhiệm, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và đầy trí tuệ của các đại biểu, với mục tiêu đưa kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch

Tại Đại hội, các ý kiến tham luận đều đồng tình với những đánh giá và làm rõ hơn kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm được đề cập trong Báo cáo chính trị. Đồng thời, cụ thể hóa hơn chỉ tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

https://img.daibieunhandan.vn/Files/Images/2020/10/23/1651730462186.jpeg
Đại biểu tham luận tại tổ

Xoay quanh các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường sản xuất hữu cơ, sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, đại biểu Vũ Tiến Nam (Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định: 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã khai thác tích cực những tiềm năng lợi thế để phát triển. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được tập trung triển khai với các giải pháp tổng thể, đồng bộ. Qua đó, hình thành nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất nông lâm thủy sản chưa khai thác được đầy đủ lợi thế; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản còn gặp khó khăn, chưa hình thành được các vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến và tiêu thụ; hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ và khai thác hiệu quả.

Để khắc phục những yếu kém trên, đại biểu Vũ Tiến Nam cho rằng: Ninh Bình cần tập trung thực hiện đồng bộ cơ cấu lại nông nghiệp theo ba trục chính, gồm các nhóm sản phẩm, các tiểu ngành, lĩnh vực và không gian phát triển; phát triển theo hướng nông nghiệp đặc hữu phục vụ du lịch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đậm đà bản sắc vùng Cố đô Hoa Lư - Tràng An, chú trọng xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển làng nghề, sản phẩm OCOP và gắn sản phẩm với các địa danh, thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt, tỉnh phải nhanh chóng xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở khung chính sách do Trung ương ban hành, có kế thừa và phù hợp với thực tiễn…

Bàn về vấn đề thu hút các nhà đầu tư lớn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đối với các dự án sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng, đại biểu Đinh Việt Dũng (Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trên thực tế, nguồn lực đầu tư công chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiến độ bố trí vốn chưa đáp ứng được tiến độ triển khai và bảo đảm thời gian thực hiện theo quy định; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn, trọng điểm còn chậm... “Bởi vậy, tỉnh cần tập trung thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực và không gian phát triển; tập trung rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; chuyển hình thức mời gọi đầu tư từ tỉnh có sang nhà đầu tư cần…” – đại biểu đề xuất.

Đồng bộ các giải pháp thu, chi ngân sách

Cũng tại Đại hội, nhiều đại biểu đánh giá cao tình hình thu, chi ngân sách giai đoạn 2015 – 2020. Tuy nhiên, thu ngân sách chủ yếu nhờ vào các khoản thu không thường xuyên, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thu tiền sử dụng đất. Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, theo đại biểu Trần Song Tùng (Đảng bộ Sở Tài chính): Tỉnh cần tăng cường quản lý thu ngân sách, gắn liền khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu, điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa các cấp ngân sách, nhất là khoản thu tiền sử dụng đất theo hướng tập trung nguồn lực về ngân sách tỉnh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư; rà soát toàn bộ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, kiên quyết thu hồi những dự án không đáp ứng yêu cầu tạo quỹ đất để thu hút các đầu tư tăng thu cho ngân sách. Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; tăng cường công khai, minh bạch về tài chính, ngân sách…

Đề cập đến các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, các đại biểu cho rằng: Tỉnh phải có quyết tâm chính trị và tạo được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quy định cụ thể người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành. Đồng thời, cần ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để làm cơ sở cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống một cửa của tỉnh. Đặc biệt, có chính sách thu hút người có chuyên môn sâu, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để tăng cường cho Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND; giao các cơ quan này làm hạt nhân thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số…

TRỌNG HIẾU