“Tâm hồn mẹ”
Thiên nhiên trong “Tâm hồn mẹ” được ẩn dụ như người mẹ che trở và nâng đỡ tâm hồn của hai đứa trẻ, điều mà chúng thiếu thốn ở những người mẹ sinh thành ra mình...
10 năm sau “Thung lũng hoang vắng”, nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang tiếp tục chủ đề bản năng giới tính của phụ nữ trong bộ phim “Tâm hồn mẹ”. Điều khác biệt là ngoài bản năng giới tính, nỗi cô đơn, những khao khát mãnh liệt của đàn bà, “Tâm hồn mẹ” còn là một bộ phim về bản năng và thiên chức của người phụ nữ - nhìn ở góc độ tình mẫu tử, cho dù chủ đề này được khai thác trong phim với những chi tiết ẩn dụ để nói về sự khao khát tình thương của những đứa trẻ. “Tâm hồn mẹ” vừa là một bộ phim về thiếu nhi hồn nhiên trong trẻo, đề tài mà Phạm Nhuệ Giang từng thành công với “Bỏ trốn” (1996), vừa là một bộ phim dành cho người lớn với cái nhìn trần trụi, bạo liệt.

Được lấy cảm hứng và ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết trong những năm 1980, Phạm Nhuệ Giang từng có ý định chuyển thể từ 20 năm về trước; nhưng mãi đến năm 2011, chị mới viết kịch bản và đạo diễn “Tâm hồn mẹ”. Bộ phim mô tả cuộc sống khắc nghiệt và nghèo khổ của Lan (Hồng Ánh), một người mẹ đơn thân kiếm sống bằng nghề bán trái cây ở chợ đầu mối Long Biên và cô con gái nhỏ Thu (Phùng Hoa Linh Thoại). Mặc dù phải sống trong cảnh thiếu thốn, vay tiền lãi suất cao của các chủ nợ, Lan yêu say đắm một anh tài xế xe tải (Trương Minh Quốc Thái) và trở thành người phụ nữ bồng bột, hoang dã, lệ thuộc về mặt tình cảm. Đối lập với bà mẹ yếu đuối và say đắm vì tình, cô con gái Thu lại trưởng thành trước tuổi. Không những thế, thiếu thốn tình cảm khiến cô bé có một bản năng làm mẹ rất mạnh mẽ. Ở lớp học, Thu luôn bảo vệ Đăng, một cậu bé sống với ông bà vì mồ côi mẹ, bố bỏ rơi và luôn bị bạn học hiếp đáp. Thu thậm chí coi Đăng như con của mình. Lý giải cho bản năng làm mẹ của mình, Thu nói với Đăng rằng: “Có khi hồn mẹ mày nhập vào tao đấy, mà mẹ thì phải yêu con chứ!”.
Lý giải cho bản năng làm mẹ của mình, Thu nói với Đăng: “Có khi hồn mẹ mày nhập vào tao đấy, mà mẹ thì phải yêu con chứ!”... |
Sự đối lập giữa Lan, một người mẹ nghèo khổ, yếu đuối, lệ thuộc về tình cảm và có phần vô trách nhiệm và Thu, một cô bé 9 - 10 tuổi có bản năng làm mẹ dù chỉ là trong huyễn tưởng và khao khát tình cảm của đứa bé thiếu thốn tình cảm trở thành chủ đề chính của “Tâm hồn mẹ” - một bộ phim có góc nhìn và cách thể hiện táo bạo, khác lạ trong mảng phim đậm màu sắc nữ tính của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang.
Không chỉ thể hiện góc nhìn đối lập về bản năng phụ nữ và sự khát khao tình cảm, “Tâm hồn mẹ” còn thể hiện nhiều góc nhìn đối lập khác: Giữa hiện thực nghiệt ngã và sự mơ mộng, bay bổng thoát khỏi thực tại; giữa sự mê muội của người lớn và sự ngây thơ, trong trẻo của trẻ con. Sự đối lập đó còn được thể hiện trong không gian, tạo nên một nhịp điệu, tiết tấu độc đáo cho bộ phim: Cảnh mưu sinh ồn ào, chen lấn, hỗn tạp; cảnh đòi nợ thuê, chụp giật ở chợ đầu mối xen kẽ với những hình ảnh tĩnh tại về ngôi nhà của hai mẹ con Lan và khung cảnh thiên nhiên xung quanh như một ốc đảo yên tĩnh ở bãi giữa sông Hồng.
Máy quay của Lý Thái Dũng, người đã từng cộng tác thành công với Phạm Nhuệ Giang trong “Thung lũng hoang vắng” một lần nữa chinh phục người xem bằng những khung hình thể hiện sự đối lập dữ dội, đồng thời vẫn trữ tình và nhiều chất thơ. Phạm Nhuệ Giang không ngần ngại đưa vào bộ phim những cảnh tình dục bạo liệt, một lần nữa với diễn xuất táo bạo và nhiều đam mê của Hồng Ánh. Trong khi ở những cảnh mô tả đời sống và tâm trạng của hai đứa bé Thu và Đăng, ống kính của chị và nhà quay phim Lý Thái Dũng sử dụng nhiều cảnh toàn hay với những cú máy dài để mô tả sự đơn độc, bơ vơ của hai đứa trẻ giữa thiên nhiên rộng lớn. Những cảnh sinh hoạt, hay những trò chơi tuổi thơ của Thu và Đăng ở bãi giữa sông Hồng, ở giữa cánh đồng ngô xanh ngắt hay xin đi nhờ thuyền trên sông Hồng đều gây ấn tượng mạnh về ngôn ngữ điện ảnh. Những khuôn hình chuyển động mô tả một chú chuột bị đốt cháy hay cú máy đặc tả một chú bọ ngựa trên cây thể hiện cái nhìn trong trẻo và sự hồn nhiên của trẻ thơ. Thiên nhiên trong “Tâm hồn mẹ” được ẩn dụ như người mẹ che trở và nâng đỡ tâm hồn của hai đứa trẻ, điều mà chúng thiếu thốn ở những người mẹ sinh thành ra mình...
Không ngạc nhiên khi phim đã giành về mình một loạt giải thưởng: Nữ diễn viên chính xuất sắc phim Á - Phi tại Liên hoan phim quốc tế Dubai (2011), Phim xuất sắc nhất, Khán giả bình chọn và Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam tại Saint - Malo (Pháp - 2014)...