Tạm dừng hay xóa sổ BT?
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) quy định “dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)” từ 1.1.2021. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng quyết định này “rất kịp thời và cần thiết”, nhưng băn khoăn vì Luật không quy định rõ là “dừng tạm thời”, hay là “xóa sổ” BT; đồng thời đề nghị chỉ nên dừng BT đến năm 2022 để có đủ thời gian hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư này.
Quy định chuyển tiếp “có lý có tình”
Luật PPP, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua và có hiệu lực từ 1.1.2021, không quy định về loại hợp đồng BT. Đồng thời, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 101 quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15.8.2020.

Ảnh: Lê Toàn
Cũng theo Luật PPP, kể từ ngày 1.1.2021, việc chuyển tiếp thực hiện dự BT được phân thành 3 nhóm. Một là, dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện. Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Hai là, dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Ba là, dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật PPP dừng thực hiện dự án BT là rất kịp thời và rất cần thiết, để có thời gian rà soát, xem xét chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư theo hình thức này. “Chúng tôi hoan nghênh Khoản 5 Điều 101 Luật PPP quy định xử lý chuyển tiếp các dự án BT phù hợp thực tiễn và “có lý có tình”. Nhất là, điểm c Khoản 5 Điều 101 sẽ tháo gỡ được các ách tắc, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội nói. Lý do, theo ông Châu, hiện nay một số nhà đầu tư dự án BT gặp khó khăn, vướng mắc do chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương thanh toán khối lượng đã thực hiện, hoặc chưa được bàn giao quỹ đất để thực hiện “dự án khác”.
Sau khi Quốc hội ban hành Luật PPP, một số địa phương đã tiến hành rà soát dự án BT để có hướng xử lý. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã rà soát lại và chia các dự án BT thành 3 nhóm. Nhóm dự án đang trong giai đoạn về đích thì thực hiện theo hợp đồng. Nhóm dự án đã ký hợp đồng, đang xây dựng thì thanh toán bằng tiền, các khu đất phải được báo cáo Thủ tướng và tổ chức đấu giá. Nhóm dự án đang trong giai đoạn đề xuất thì dừng lại.
Chỉ nên dừng tới năm 2022?
Tuy vậy, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh băn khoăn vì Luật PPP không quy định rõ là “dừng tạm thời trong một thời gian”, hay là “xóa sổ” phương thức xã hội hóa đầu tư dự án theo hình thức BT.
“Luật PPP không sửa đổi, bổ sung, cũng không bãi bỏ phương thức xã hội hóa đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BT được quy định tại Khoản 3 Điều 13, Điều 44 và Điều 117 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là những điều, khoản về đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Vì thế theo suy đoán logic thì các điều, khoản này vẫn có hiệu lực, mà chỉ bị dừng triển khai, dừng thực hiện theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 101 Luật PPP”, ông Lê Hoàng Châu lý giải.
Cũng theo ông Châu, khoản 7 Điều 99 Luật PPP chỉ “bãi bỏ điểm c khoản 4 và khoản 5 Điều 30, khoản 4 Điều 51 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”. Đây là các quy định về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nay đã được thống nhất quy định trong Luật PPP.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư thông qua các dự án đầu tư theo hình thức BT là rất cần thiết và đúng đắn. Nhưng trong những năm qua, do một số cơ chế chính sách, pháp luật chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, kể cả khâu thực thi pháp luật đối với một số dự án BT, nên bên cạnh mặt tích cực, đã bộc lộ các bất cập, thậm chí đã có các “lỗ hổng”, dẫn đến khả năng có thể làm thất thoát tài sản công (chủ yếu là tài sản đất đai, trụ sở làm việc), thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Ở chiều ngược lại, có nhà đầu tư dự án BT có thể đã chiếm hưởng được nhiều lợi ích không chính đáng, ngay ở đầu “xây dựng” khi thực hiện công trình BT, và cả ở đầu “chuyển giao” khi được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc để thực hiện “dự án khác”, theo “đúng đề xuất” của nhà đầu tư dự án BT. Đồng thời, còn làm cho môi trường kinh doanh kém minh bạch và thiếu công bằng.
Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị việc dừng triển khai dự án BT nên giới hạn trong khoảng năm 2020 - 2022, để có đủ thời gian hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư này.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng chỉ đạo rà soát, xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trọng tâm là rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm tính khả thi, bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án BT hiệu quả hơn, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng”, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất.
Trước đó, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật PPP, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề xuất "khai tử" hình thức đầu tư BT với lý do đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Những dự án BT thời gian qua chủ yếu nhằm xây dựng đường giao thông liên tỉnh, trụ sở, công trình văn hóa, giáo dục theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng” gắn với nhiều hệ lụy tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách. Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực để đề xuất giải pháp kỹ thuật "đấu giá đồng thời" dự án BT và tài sản thanh toán như đất đai để bịt kẽ hở gây thất thoát tài sản công nhưng các chuyên gia cho rằng giải pháp này rất khó triển khai trên thực tế.