Tái sinh nghệ thuật chèo

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:10 - Chia sẻ
Là loại hình nghệ thuật sân khấu thuần Việt và được gìn giữ, duy trì trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, song chèo đang trở nên xa lạ với nhiều người trẻ và có nguy cơ mai một. Những người yêu mến chèo kỳ vọng bộ môn nghệ thuật này sẽ được tái sinh với nguồn cảm hứng mới, đến gần hơn với khán giả hiện đại.

Làm mới cách tiếp cận chèo

Sử dụng chất liệu chèo đưa vào phim ảnh, phim hoạt hình ngắn. Đẩy mạnh việc nhận diện chèo qua hình ảnh, giúp chèo mang hơi thở đương đại với màu sắc, nét vẽ hiện đại. Các hình ảnh này có thể đưa lên các sản phẩm thương mại để đông đảo công chúng biết tới… Đây là một sáng kiến của các bạn trẻ khi tiếp cận nghệ thuật chèo.

Đổi mới cách đưa chèo tiếp cận khán giả
Ảnh: Thảo Nguyên

Nhiều ý tưởng của giới trẻ cũng được đưa ra nhằm đẩy mạnh truyền thông cho chèo trên không gian mạng. Như trên kênh youtube có thể đăng tải những video 2 - 3 phút, hoặc giới thiệu khoảng 10 phút về lịch sử, giá trị văn hóa, nét đặc trưng của chèo… Hay trên mạng xã hội Facebook vốn có các nội dung về từ ngữ tiếng Anh, nay có thể tận dụng nền tảng này để giới thiệu các từ cổ trong chèo, vốn khó hiểu với nhiều người trẻ, dù là tiếng Việt; trên Tik Tok cũng có thể tạo video 15 giây, nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn, thể hiện các nhân vật đặc trưng, tạo ấn tượng về chèo…

Một số bạn trẻ còn có ý tưởng “Chèo therapy”, dựa trên phương pháp Trị liệu nghệ thuật (art therapy), trị liệu cảm xúc cá nhân, giup mọi người được truyền cảm hứng, sống chậm hơn, giải tỏa căng thẳng… thông qua quá trình thưởng thức và sáng tạo với chèo.

Những ý tưởng sáng tạo này hướng tới đối tượng chủ yếu là người trẻ, những người ít có cơ hội tiếp cận, chưa biết nhiều về nghệ thuật chèo. Theo NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chèo có từ lâu đời và trải qua nhiều thời kỳ phát triển, từ sân đình đã vào rạp hát để tiếp cận khán giả thành thị. Với gần 70 năm lịch sử, Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn đang làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy nghệ thuật này: Đào tạo diễn viên, nhạc công, duy trì biển diễn hàng tuần, thường xuyên lưu diễn đến vùng sâu, vùng xa để giới thiệu nghệ thuật chèo...

Đó là những nỗ lực của nghệ sĩ, nhưng theo NSND Thanh Ngoan, để chèo không bị mai một trong xã hội đương đại, khi có nhiều loại hình nghệ thuật mới đang nở rộ, chèo cần tiếp cận được giới trẻ. Tọa đàm và workshop “Tái sinh nghệ thuật chèo” được tổ chức cuối tuần qua, là dịp để các bạn trẻ nhận diện, làm mới cách thu hút khán giả đến với chèo, để nghệ thuật truyền thống không bị mai một.

Lan tỏa cảm hứng với nghệ thuật truyền thống

TS. Lư Thị Thanh Lê, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chia sẻ: “Ngày tôi còn nhỏ, cứ đến 11h30 có chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền phát trên đài phát thanh. Qua đó, những làn điệu chèo đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, khi lớn lên, tôi không có thời gian tìm hiểu về chèo, ít điều kiện tiếp cận chèo, trong khi có quá nhiều môn nghệ thuật mới thu hút. Đến khi vô tình gặp lại nghệ thuật truyền thống này, thôi thúc tôi tìm hiểu và thấy được những điều thú vị về chèo. Ban đầu có thể xa lạ, thậm chí khác với thị hiếu của mình, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tôi thấy vô cùng quen thuộc…”. Từ đó, chị đã có những hoạt động quảng bá chèo trong trường đại học.

Đinh Thị Thảo, sáng lập Chèo 48h, cũng từng là một người học về piano, không quan tâm tới nhạc truyền thống, nghe chèo, tuồng còn thấy “khó chịu vì không hiểu gì, đôi khi còn tự hỏi đây có phải là nghệ thuật hay không?” Nhưng khi có những chương trình giao lưu văn hóa với nước ngoài, Thảo tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống và lập ra Chèo 48h để cùng bạn bè tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này. “Qua những buổi nghe nghệ sĩ chia sẻ, xem chèo, tôi thấy rằng nghệ thuật chèo không hề cũ, mà vẫn mang giá trị của cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, phải từ biết, quen, thân, thương, nếu không hiểu thì giới trẻ không thể yêu chèo, và cũng không thể bảo tồn được bộ môn nghệ thuật này”.

Vẫn còn nhiều người cảm thấy xa lạ, thậm chí quay lưng với chèo, người thì không có điều kiện tiếp cận để hiểu hơn nghệ thuật này… “Chúng tôi nghĩ phải cùng nhau làm điều gì đó tập hợp, phát huy mọi sáng kiến, nguồn lực; dựa trên khả năng, tâm huyết, cũng như mối quan tâm của người trẻ, đưa ra giải pháp để chèo đến với đối tượng khán giả này” - Thảo cho biết.

6 năm qua, Chèo 48h vẫn miệt mài tìm cách tạo sân chơi, workshop, lớp học… để giá trị nghệ thuật này không mất đi. Nhưng thực tế là chỉ riêng Chèo 48h làm thì chưa đủ. Đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã tham gia và tạo thành cộng đồng yêu chèo. Với môn nghệ thuật đặc thù, không thể ngay lập tức kết nối với nhiều người, mà dần dần từ cộng đồng này lan tỏa sang cộng đồng khác.

Đinh Thảo cho biết: “Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có sự mở rộng của cộng đồng yêu chèo. Đã có những hoạt động không phải từ Chèo 48h, mà từ các cộng đồng như Chiu chiu chèo của các bạn từng tham gia Chèo 48h, hay các học viên sau khi tham gia lớp tìm hiểu về chèo đã phát triển khóa luận, đề tài nghiên cứu… Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều cộng đồng, cá nhân cùng chung tay, tạo ra những ý tưởng, giải pháp gần gũi để nghệ thuật truyền thống xưa cũ chinh phục công chúng hiện đại”.

Thảo Nguyên