Tiến sĩ Bùi Việt Hùng- Khoa Răng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Cao răng là một chất lắng cặn cứng của các muối vô cơ gồm canxi carbonat và phosphate phối hợp với cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô, sự lắng đọng sắt của huyết thanh, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới bờ lợi (còn gọi là vôi răng).
Cao răng có hai loại: cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường như đã mô tả ở trên. Khi cao răng thường gây viêm lợi, lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch viêm và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, lúc này mảng cao răng đó được gọi là cao răng huyết thanh.
Khi ăn xong nếu không chải răng ngay, thì khoảng 15 phút sau có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng gọi là màng bám. Nếu màng bám không được làm sạch, các vi khuẩn bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám. Lúc này, các mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong miệng tiếp tục bám vào hình thành nên những mảng cứng bám xung quanh cổ răng gọi là cao răng.
Các bác sĩ bệnh viện Quân y 175 nhận định, cao răng gây ra một số bệnh về răng miệng như:
- Vi khuẩn trong cao răng gây viêm nướu. Phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ổ răng, làm cho răng tụt nướu, thân răng ngày càng dài. Vì vậy, người có cao răng có thể có cảm giác ê buốt khó chịu khi ăn uống. Chân răng bị lộ vì không có nướu che chở và răng bị lung lay, quá trình tiêu xương cũng diễn ra nhanh hơn.
- Cao răng có thể gây nên các bệnh viêm nướu, viêm nha chu với các biểu hiện như: đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.
- Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.
Do những ảnh hưởng nêu trên, cao răng cần phải được cạo sạch và tốt nhất nên cạo định kỳ 4- 6 tháng/lần. Có thể cạo cao răng bằng dụng cụ cầm tay hay bằng máy siêu âm. Cạo cao răng bằng máy siêu âm sẽ ít đau, ít chảy máu và sạch hơn.
Sau khi cạo cao răng, bạn có thể có cảm giác ê, đau, nhiều hay ít tùy mức chịu đau của mỗi người. Cảm giác ê buốt khi ăn uống nhất là uống nước nóng quá hay lạnh quá có thể kéo dài sau vài ngày rồi hết.
Khởi phát của cao răng là màng bám sau khi ăn không được chải rửa sạch. Vì vậy, để ngăn ngừa cao răng, phải kiểm soát được màng bám, giữ răng luôn sạch sẽ. Để giữ cho hàm răng chắc khỏe, mọi người cần thường xuyên vệ sinh răng miệng. Các bác sĩ khoa Răng- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hướng dẫn biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách như:
Lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp: Chọn bàn chải có lông mềm hoặc các loại bàn chải được đề nghị bởi các nha sĩ. Thay bàn chải khi bắt đầu bị tưa (lúc đó lông bàn chải không còn đứng thẳng nữa) hay khi bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Nên thay bàn chải từ 2- 3 tháng.
Không nên dùng chung bàn chải với người khác, không sử dụng bàn chải vào mục đích khác ngoài việc đánh răng. Rửa sạch bàn chải sau mỗi khi dùng, để ở nơi thoáng mát rộng rãi không đụng vào bàn chải hay vật dụng khác.
Cách đánh răng khoa học: Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (đặc biệt là sáng và tối trước khi ngủ), mỗi lần kéo dài từ 2- 3 phút. Sử dụng kem đánh răng có chứa chất Fluoride, tuy nhiên không nên quá lạm dụng chất này vì có thể làm răng bị đổi màu.
Không nên đánh răng quá mạnh, nên đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và lưỡi. Làm sạch răng và dọc theo đường lợi răng.
Dùng chỉ nha khoa: Dùng chỉ nha khoa là cách làm hiệu quả để loại bỏ thức ăn thừa trên răng. Sử dụng một đoạn dài khoảng 30cm và quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón giữa, chừa lại 1 đoạn giữa khoảng 5cm; ngón trỏ và ngón cái giữ căng sợi chỉ, nhẹ nhàng đưa sợi chỉ vào kẽ răng sao cho đoạn chỉ len sát mặt bên của răng, không ấn quá sâu, không kéo sợi chỉ qua lại sẽ làm tổn thương lợi, kéo sợi chỉ quanh mỗi răng theo hình chữ C và nhẹ nhàng di chuyển lên xuống ở mặt bên mỗi răng. Thay sợi chỉ khác khi chuyển qua làm sạch răng kế tiếp.
Sử dụng nước súc miệng: Chọn nước súc miệng có chứa Fluor và không có chất alcohol. Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.
Dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng, ngậm khoảng 30 giây để tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng, không nên ăn ngay sau khi dùng nước súc miệng (ít nhất khoảng nửa giờ); không được nuốt nước súc miệng và không dùng nước súc miệng quá 2 – 3 lần/ngày.
Vệ sinh lưỡi: Không chỉ tích tụ trên răng gây tình trạng cao răng mà các mảng bám còn có thể tích tụ trên lưỡi, gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng và hơi thở có mùi hôi. Do đó, mỗi khi chăm sóc răng miệng hãy kết hợp chải răng với chải mặt trên lưỡi từ trong ra ngoài bằng bàn chải răng hoặc dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng.