Tại sao Mỹ nên bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc?

- Thứ Sáu, 26/03/2021, 07:35 - Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không hủy bỏ thuế quan của người tiền nhiệm đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp và người lao động Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia cho rằng, có ba lý do vì chính lợi ích của Mỹ để ông phải nghĩ lại quyết định đánh thuế: thứ nhất, biện pháp đánh thuế đã và đang gây tổn hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ; thứ hai, biện pháp này không hề giúp giảm thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ; cuối cùng, chúng đang làm suy yếu các quy tắc kinh tế toàn cầu.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Donald Trump đã nhiều lần tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu, từ mức trung bình khoảng 3% khi ông nhậm chức tháng 1.2017 lên hơn 20% vào cuối năm 2019. Kết quả là, mức thuế trung bình hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc về cơ bản bằng mức mà Mỹ đã áp đặt đối với phần còn lại của thế giới vào đầu những năm 1930 theo Đạo luật Smoot - Hawley, một biện pháp bảo hộ mà nhiều nhà kinh tế khi đó cáo buộc đã dẫn đến sự nghiêm trọng của cuộc Đại suy thoái. Giờ đây, Tổng thống Joe Biden đang đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền cũ, bao gồm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa châu Âu. Và ông phải quyết định có nên hủy bỏ thuế quan đối với Trung Quốc của người tiền nhiệm hay không.

		Ảnh Getty Image
Ảnh Getty Image

Nếu chỉ vì lợi ích của người lao động hoặc doanh nghiệp Trung Quốc, có lẽ ông Biden không phải thay đổi điều gì, nhất là trong bối cảnh ông cần cảnh giác trước sự soi mói của phe Cộng hòa về bất kỳ biểu hiện nào mà họ có thể cáo buộc ông quá mềm mỏng với đối thủ toàn cầu của Mỹ. Nhưng các chuyên gia cho rằng, có 3 lý do mạnh mẽ để ông suy nghĩ lại về chính sách này.

Thứ nhất, đó là vì lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Trong tất cả nghiên cứu của các nhà kinh tế Mỹ, không có nghiên cứu nào phát hiện ra rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có lợi cho các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp Mỹ. Các nhà kinh tế: Mary Amiti của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Stephen Redding của Đại học Princeton và David Weinstein của Đại học Columbia đã nghiên cứu 6 đợt tăng thuế của cựu Tổng thống Donald Trump với hàng hóa Trung Quốc năm 2018, khiến tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ phải chịu mức thuế từ 10% hoặc hơn, tăng từ 3,5% đến 10,6%. Trái ngược với những gì ông Trump và các quan chức thương mại cấp cao của ông tuyên bố, mức thuế cao hơn gần như hoàn toàn dẫn đến mức giá cao hơn mà người tiêu dùng Mỹ phải trả.

Trong khi đó, hàng hóa tương tự nhập khẩu của Mỹ từ các nước khác cũng trở nên đắt đỏ hơn để đối phó với việc tăng thuế. Vì vậy, mặc dù chính phủ liên bang có thể có thêm doanh thu từ thuế quan, nhưng đây chỉ đơn thuần là một khoản chuyển từ các hộ gia đình Mỹ sang Bộ Tài chính. Các nghiên cứu khác đều đưa đến kết luận tương tự.

Vì các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc ở Mỹ được các hộ gia đình thu nhập trung bình và thấp mua một cách không cân đối, nên thuế quan của chính quyền ông Donald Trump trên thực tế là một loại thuế luỹ thoái. Do đó, họ đã làm sai lệch thêm sự phân bổ thu nhập vốn đã rất bất bình đẳng của Mỹ.

Trong khi đó, thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ đã dẫn đến thiệt hại kinh tế gia tăng ở Mỹ - thể hiện rõ trong việc giảm doanh số bán các mặt hàng lâu dài như ô tô. Nhà kinh tế Michael Waugh của Đại học New York đã phát hiện ra rằng, doanh số bán ô tô giảm đáng kể (khoảng 15%) ở các khu vực của Mỹ chịu nhiều tác động từ đòn trả đũa thương mại của Trung Quốc, cho thấy thu nhập hộ gia đình giảm. Những khu vực như vậy cũng chứng kiến tỷ lệ việc làm sụt giảm.

Lý do thứ hai, cán cân thương mại của Mỹ không hề được cải thiện nhờ thuế quan thời ông Trump. Thâm hụt song phương với Trung Quốc năm 2019 về cơ bản không đổi (khoảng 345 tỷ USD) so với năm 2016, năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Điều này phản ánh mức giảm tương đương khoảng 10 tỷ USD trong xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc cũng như nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc.

Tình trạng này vẫn tiếp tục vào năm 2020. Mặc dù thâm hụt song phương đã giảm xuống còn 311 tỷ USD, nhưng trên thực tế, điều này phần lớn bắt nguồn từ cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra làm giảm nhập khẩu tổng thể của Mỹ. Và trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng từ 107 tỷ USD năm 2019 lên 125 tỷ USD vào năm 2020 theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn một của hai nước, nhưng con số này cũng ngang bằng xuất khẩu của Mỹ của năm 2018 trong khi lại thấp hơn con số 130 tỷ USD của năm 2017.

Mức thuế cao hơn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chỉ đơn thuần làm chuyển nhập khẩu một số sản phẩm sang các nước khác. Trong khi cán cân thương mại song phương với Trung Quốc không quá quan trọng đối với hạnh phúc của người Mỹ, thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm vào năm 2020, phản ánh sự thiếu hụt tiết kiệm quốc gia của Mỹ so với đầu tư quốc gia.

Mặc dù Trung Quốc vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt rào cản thương mại của họ, nhưng đây không phải lý do khiến nước này xuất siêu. Trên thực tế, nghiên cứu của các chuyên gia Jiandong Ju và Kang Shi cho thấy, tự do hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào đầu những năm 2000 đã góp phần làm tăng thặng dư thương mại nói chung của nước này.

Cuối cùng, các biện pháp trả đũa bằng thuế quan của ông Donald Trump đang làm suy yếu các quy tắc kinh tế toàn cầu cũng như địa vị và uy tín của Mỹ. Một số nhân vật diều hâu có thể biện luận rằng, Mỹ nên giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng với nhiều công cụ an ninh quốc gia hơn hầu hết các quốc gia khác, Mỹ không phải dựa vào thuế quan khi theo đuổi các mục tiêu chiến lược như vậy. Trên thực tế, lợi ích quốc gia của Mỹ là thúc đẩy cải cách tại Tổ chức Thương mại Thế giới, ủy quyền sử dụng thuế quan cho các mục đích phi kinh tế.

Việc bãi bỏ thuế quan mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc là cần thiết để phục hồi niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu. Tháng 9.2020, một hội đồng tranh chấp của WTO đã phán quyết việc áp thuế của Mỹ là bất hợp pháp theo các quy tắc của tổ chức này. Mỹ có quyền kháng cáo, nhưng chính quyền Trump đã vô hiệu hóa Cơ quan phúc thẩm của WTO bằng cách từ chối bổ nhiệm các thẩm phán của cơ quan này khi các thẩm phán cũ mãn nhiệm, một quyết định khiến cơ quan này gần như trở nên tê liệt.

Phớt lờ phán quyết của WTO có thể làm suy yếu độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với chính quyền của ông Biden trong việc củng cố hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ. Các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế của ông Trump đối với Trung Quốc càng kéo dài, các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình của Mỹ sẽ càng phải chịu thêm gánh nặng. Giống như thuế quan Smoot - Hawley những năm 1930, việc tiếp tục áp dụng thuế quan của ông Trump sẽ chống lại mục tiêu khôi phục kinh tế toàn diện của ông Biden.

Quốc Đạt