Sau 10 năm thương lượng tại các nhóm công tác liên chính phủ, năm 2019, LHQ đã nhất trí thành lập cơ chế Ủy ban đặc biệt nhằm xây dựng một công ước quốc tế chống việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích phạm tội (hay còn gọi là Công ước LHQ về tội phạm mạng). Sự ra đời của cơ chế Ủy ban đặc biệt của LHQ phản ánh quan tâm của cộng đồng quốc tế trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các loại tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, đồng thời thể hiện nỗ lực của các nước thành viên LHQ sớm cho ra đời văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên điều chỉnh vấn đề này.
Dự thảo công ước mới được công bố vào tháng 11.2023 đề cập đến những thách thức và mối đe dọa hiện đại trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế (gồm cả tội phạm sử dụng tiền điện tử), đưa ra các yếu tố mới của tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế trong các vấn đề dẫn độ và trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, bao gồm xác định, bắt giữ, tịch thu và trả lại tài sản.
Tuy nhiên, sau 7 vòng đàm phán, trong đó, vòng đàm phán quan trọng cuối cùng diễn ra vào tháng 1.2024, các quốc gia hàng đầu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Vấn đề quyền riêng tư
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, quyền con người (Điều 5), trong đó bao gồm quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận cùng các biện pháp bảo vệ (Điều 24), cuối cùng đã không đạt được sự đồng thuận. Một số quốc gia không muốn có tham chiếu đến quyền con người trong công ước, lập luận rằng công ước về tội phạm mạng nên áp dụng cách tiếp cận tương tự như Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC). Tuy nhiên, quan điểm này đã bị nhiều quốc gia thành viên phản đối, bao gồm các nước phương Tây và một số quốc gia ở Mỹ Latin, châu Á và châu Phi.
Tác động chưa từng có của công ước đối với quyền con người (bao gồm quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận) là mối quan tâm chính của xã hội dân sự.
Phạm vi hợp tác quốc tế
Một vấn đề gây bất đồng khác là phạm vi hợp tác về bằng chứng điện tử. Trước đó, Ủy ban đề xuất một phạm vi hợp tác rộng hơn về bằng chứng điện tử, bao gồm cả “tội phạm nghiêm trọng” nói chung, có thể kết hợp với một chương hình sự hóa hẹp và một số loại thỏa thuận về cách thức các tội phạm khác có thể được thêm vào công ước trong tương lai. Tuy nhiên, một số nước phản đối điều này, cho rằng mở rộng phạm có thể gây ra rủi ro về nhân quyền.
Chương tội phạm hóa
Chương “tội phạm hóa” (những hành vi nào được coi là phạm tội) cũng gây ra những tranh cãi gay gắt về liệu công ước có nên điều chỉnh nhiều loại tội phạm hơn hay nên thu hẹp hơn. Điều 60 trong đề xuất của Ủy ban yêu cầu các quốc gia phải hình sự hóa các hành vi phạm tội được thiết lập theo các công ước và nghị định thư của LHQ nếu những hành vi này được thực hiện bằng công nghệ thông tin và truyền thông. Điều khoản này sẽ bắt buộc các quốc gia thành viên phải hình sự hóa các hành vi phạm tội như buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy và buôn người nếu được thực hiện trực tuyến.
Sau 7 vòng đàm phán, các nước vẫn chưa tìm ra câu trả lời thống nhất cho các vấn đề: đây có phải là một công ước tập trung vào tội phạm mạng hay một công cụ rộng hơn để hình sự hóa và tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về nhiều loại hình tội phạm? Hiện tại, công ước vẫn là sự pha trộn khó hiểu của cả hai, và có lẽ đó là lý do tại sao các quốc gia thành viên lại khó đạt được sự đồng thuận như vậy.