Tại sao cần bảo đảm quyền vui chơi, giải trí của trẻ

Lê Anh 01/06/2012 08:16

Trẻ em có quyền nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tự do tham gia đời sống văn hóa, nghệ thuật. Cần ghi nhận, bảo đảm quyền vui chơi, giải trí của trẻ em vì những lý do sau:

Tại sao cần bảo đảm quyền vui chơi, giải trí của trẻ ảnh 1

 Thứ nhất, việc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của trẻ em quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ như các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Trong khi vui chơi, trẻ em tự tạo ra hoặc được đặt vào những tình huống nhiều khi giống với ngoài đời thật và có những phản ứng linh hoạt đối với các tình huống đó. Không chỉ là vui chơi thuần túy, mà qua đó, các em rèn luyện kỹ năng sống, trang bị kiến thức để đối phó với những “bài toán” của cuộc sống.

 Không những thế, vui chơi giúp trẻ em tương tác với môi trường vật chất và xã hội xung quanh, tạo ra sự phấn khích, thoải mái vận động, cho nên có lợi cho sức khỏe, phát triển của trẻ em. Sân chơi lành mạnh mang ý nghĩa “chơi mà học, học mà chơi”, giảm căng thẳng.

Thứ hai, trẻ em được vui chơi, giải trí tức là được bảo vệ, được tham gia, được tạo điều kiện (3 được). Trẻ em được bảo vệ khi vui chơi, giải trí, bởi lẽ vui chơi là quá trình tự vệ, tăng cường khả năng thích nghi, ứng phó với các tình huống thực tế. Việc nghỉ ngơi của trẻ em chính là bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của các em.

Trẻ em cũng có quyền tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, được tự do tham gia các sinh hoạt văn hoá và nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch. Không những thế, quyền tham gia còn hàm ý trẻ em được đóng góp ý kiến và được lắng nghe trong quá trình ra quyết định của người lớn liên quan đến việc vui chơi, giải trí của trẻ em, nhất là ở các diễn đàn công cộng như nghị viện hay hội đồng địa phương. Thậm chí, có những chuyên gia khuyến nghị, cần tạo cơ chế để trẻ em có thể trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết sách của chính quyền.

Được tạo điều kiện có nghĩa là, trẻ em không chỉ cần các điều kiện vật chất, mà quan trọng hơn nhiều, phải tạo ra môi trường xã hội, tâm lý, văn hóa, pháp lý thuận lợi cho trẻ em vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, thư giãn, được tự do tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Thứ ba, ghi nhận, bảo vệ các quyền này càng có ý nghĩa đối với các nhóm trẻ em chịu nhiều thiệt thòi như trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, những em phải lao động và có ít thời gian để vui chơi, trẻ em đường phố, và những trẻ em là nạn nhân của việc xâm hại và bóc lột, trẻ em gái và những trẻ em không được tự do vui chơi và tham gia vào các hoạt động giải trí phù hợp với lứa tuổi, hay không có cơ hội chơi ở sân chơi an toàn.

Cơ quan lập pháp đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của mọi tầng lớp, nhóm dân cư trong xã hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng và các lợi ích đó vào các chính sách, pháp luật và bảo đảm cho các chính sách, pháp luật đó được thi hành hiệu quả. Như vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan lập pháp đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc ghi nhận, tôn trọng và thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, trong đó có quyền vui chơi, giải trí của trẻ em. Các cơ quan này không chỉ có khả năng tác động đối với quá trình ban hành chính sách, pháp luật và thực hiện chính sách, pháp luật, mà còn là cầu nối với cử tri, với các nhóm dân cư, với trẻ em.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tại sao cần bảo đảm quyền vui chơi, giải trí của trẻ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO