Tai nạn lao động - vì đâu nên nỗi?

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:49 - Chia sẻ
Tính đến ngày 5.6.2020, cả nước có 320 vụ tai nạn lao động xảy ra; làm 340 người bị nạn, trong đó, số vụ có người chết là 17 vụ và đã có 25 người thiệt mạng. Riêng trong tháng 5.2020, đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động… Đáng chú ý, các vụ tai nạn lao động làm chết người chủ yếu thuộc lĩnh vực xây dựng - một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân.

Tai nạn lao động tăng cao trong lĩnh vực xây dựng

Chắc hẳn nhiều người chưa quên vụ tai nạn lao động làm sập đoạn tường nhà xưởng dài hơn 100m, cao trên 12m của Công ty AV Healthcare Việt Nam tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào giữa tháng 5 vừa qua. Vụ tai nạn đã cướp đi mạng sống của 10 người và làm 14 người bị thương.

Để giảm thiểu TNLĐ thì người sử dụng lao động phải chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm ATVSLĐ trên công trường.
Nguồn: ITN

Trước đó, vụ tai nạn lao động làm sập đoạn tường dài khoảng 30m, cao 12,57m tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Bohsing (Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng làm 7 người chết và nhiều người bị thương. Hay vụ sập giàn giáo 1.700m2 tại công trình xây dựng dự án Mapletree Business Centre trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP Hồ Chí Minh khiến 3 người chết, 4 người bị thương. Ngay tại Hà Nội, vụ 1 thanh sắt của công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bất ngờ rơi từ trên cao xuống làm một phụ nữ tử vong và một người bị thương vào tháng 9.2019; vụ sập giàn giáo năm 2018 khiến 3 người chết và nhiều người bị thương xảy ra tại công trình Dự án cây xanh, bãi đỗ xe Việt Nhật thuộc phường Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội… cũng đã dấy lên những lo ngại về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện có tới 30% tổng số vụ tai nạn lao động rơi vào lĩnh vực xây dựng. Các tỉnh có vụ tai nạn lao động nhiều là Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Các vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất là lĩnh vực xây dựng với 7 vụ: 2 vụ ngã cao, 4 vụ điện giật, 1 vụ bị vật đè, trong đó có 5 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân và 2 vụ xảy ra ở công trình xây dựng tòa nhà cao tầng.

Trên thực tế, ngành xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc và độc hại. Mặc dù đã được tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động nhưng tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp; đáng nói, số vụ đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của nhiều người lại có chiều hướng tăng lên. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho việc không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các công trình xây dựng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lỗi không chỉ do người sử dụng lao động

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, phần nhiều là do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân; không cử người kiểm tra giám sát người lao động trong quá trình làm việc; không xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Cùng với đó, việc thực thi pháp luật về bảo đảm ATVSLĐ của doanh nghiệp còn kém. Các doanh nghiệp không chú trọng kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ; không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy; không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ; việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động chưa đầy đủ, thậm chí là nhiều nơi không có. Nhiều đơn vị xây dựng còn thờ ơ trong việc đăng ký kiểm định các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; không ký hợp đồng lao động với người lao động. Bên cạnh đó, tai nạn lao động cũng đến từ phía người lao động, nhất là đối với ngành xây dựng, lực lượng lao động trong ngành chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức ATVSLĐ; không có ý thức tự bảo vệ mình.

Ngay tại một công trình xây dựng đang thi công ở quận Ba Đình, Hà Nội, tình trạng thiếu ý thức về bảo đảm ATVSLĐ vẫn diễn ra. Khi được hỏi, vì sao không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động? Anh Nguyễn Văn Cường, 28 tuổi, ở Phú Thọ hồn nhiên trả lời rằng: “Cánh thợ hồ chúng em ít khi đội mũ bảo hộ vì toàn làm công trình nhỏ, không có gì nguy hiểm. Đội vào nhiều khi vướng víu, khó chịu lắm”. Đáng nói là không riêng anh Cường, nhiều công nhân xây dựng khác cũng rất chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động đã được cấp phát như găng tay, giày, mũ bảo hiểm, dây đeo an toàn.

Trước thực trạng này, mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn xảy ra do thi công xây dựng. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động, kịp thời động viên các gia đình có người chết và bị thương, nhanh chóng ổn định, vượt qua những khó khăn, mất mát. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có Công văn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng.

Đức Kiên