Tài khoản và đại diện

Nguyễn Minh 13/02/2019 08:10

Quy định chủ tài khoản thanh toán cho tổ chức không có tư cách pháp nhân tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (dự thảo) do Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

So với quy định hiện hành, dự thảo bổ sung quy định về đối tượng mở tài khoản đối với trường hợp “hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” (sau đây gọi là tổ chức không có tư cách pháp nhân). Cụ thể, Khoản 3 Điều 11 sửa đổi, quy định trong các trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân mở tài khoản, chủ thể mở tài khoản được xác định là “các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”.

Liên quan đến vấn đề này, Thông tư 32/2016/TT-NHNN ngày 26.12.2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19.8.2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng đã không công nhận “tổ chức không có tư cách pháp nhân” là chủ tài khoản thanh toán. Quy định này đã dẫn đến tình trạng mặc dù tài khoản được mở phục vụ hoạt động của “tổ chức không có tư cách pháp nhân” nhưng lại mang tên của một cá nhân là thành viên của tổ chức đó. Điều này đồng nghĩa với việc không thể phân biệt được tài khoản của cá nhân mở phục vụ chính cá nhân đó với tài khoản của cá nhân mở cho hoạt động của “tổ chức không có tư cách pháp nhân”. Từ đó, phát sinh các vấn đề pháp lý như xáo trộn trong thực tiễn giao dịch, xác định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ chức liên quan tới tài khoản vốn là tài sản chung của tổ chức này bị ảnh hưởng… Đặc biệt, đối tác của “tổ chức không có tư cách pháp nhân” không có căn cứ để nhận diện tài khoản được cá nhân cung cấp là tài khoản của tổ chức mình đang giao dịch hay là tài khoản riêng của cá nhân đó.

Góp ý vào sửa đổi nêu trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bổ sung quy định về đối tượng mở tài khoản trong trường hợp “tổ chức không có tư cách pháp nhân” hoàn toàn không giải quyết được vướng mắc nói trên. Bởi, đây chỉ là quy định về “đối tượng mở tài khoản”; chủ tài khoản trong trường hợp này vẫn là “cá nhân” - tức là các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân, dù là họ trực tiếp mở tài khoản hay ủy quyền cho cá nhân khác trong tổ chức mở -  chứ không phải “tổ chức không có tư cách pháp nhân”.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự tại các Chương III, IV, V, VI  thì có 4 nhóm chủ thể của quan hệ dân sự là “cá nhân”, “pháp nhân”, “Nhà nước, cơ quan Nhà nước”, “hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”. Như vậy, quy định “tổ chức không có tư cách pháp nhân” có thể là chủ tài khoản, theo Khoản 3, Điều 3 và Khoản 2, Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (sửa đổi) hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Vì vậy, các chủ thể này hoàn toàn có thể được ghi nhận bằng chính tên của mình trong các quan hệ dân sự nói chung, trong giao dịch tài khoản thanh toán nói riêng. Từ lập luận trên, VCCI cho rằng, quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, vì Bộ luật Dân sự 2015 có cách gọi mới về các chủ thể là “tổ chức không có tư cách pháp nhân” nên Khoản 2 Điều 11 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN nên điều chỉnh lại cho tương thích. Cụ thể, Khoản 2 Điều 11 của Thông tư 23/2014/TT-NHNN cần điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức không có tư cách pháp nhân: Được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tài khoản và đại diện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO