Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một trong những điểm nhấn của chuỗi sự kiện do Ban Quản lý Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, từ năm 2013.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn gọi là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ. Lễ vật và nghi thức cúng tế thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn.
Bên cạnh tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu văn hóa, du lịch Quảng Ngãi; hình ảnh về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, gồm: giới thiệu, trưng bày ấn phẩm du lịch, sách ảnh, mô hình hiện vật, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm quà tặng lưu niệm, sản vật, ẩm thực truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi; cấp phát tài liệu, tập gấp, bản đồ, sổ tay du lịch, VCD, DVD quảng bá du lịch tỉnh Quảng Ngãi.
Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; vẻ đẹp cảnh quan, văn hóa, con người Quảng Ngãi; các chương trình tour, tuyến du lịch, điểm đến du lịch của tỉnh Quảng Ngãi kết nối, giao lưu với du khách tham quan, cơ quan thông tấn báo chí, các công ty lữ hành thường xuyên gửi khách đến Làng...
Trong tháng 10, cùng với hoạt động Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm. Tiêu biểu là hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam”; hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng gồm: chương trình dân ca dân vũ “Hoa tháng Mười” kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10; “Buôn làng vào hội” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và các chương trình ẩm thực, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống (trình diễn cồng chiêng, vòng xoang, đàn tơ rưng dân gian, đàn K’long pút, đàn Chapi…).