Mùng 8 - 9 Tết (17 - 18.2), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An tổ chức chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An” nhằm tạo cơ hội cho công chúng khám phá về Tết truyền thống và di sản văn hóa của Hội An.
Khẳng định giá trị nghề thủ công và nghệ thuật dân gian
Công chúng sẽ có cơ hội tìm hiểu về các nghề thủ công truyền thống như: làm đèn lồng, làm gốm Thanh Hà, làm mộc Kim Bồng cùng các nghệ nhân dân gian. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức hò xứ Quảng, hát sắc bùa, diễn xướng Bả trạo cầu Ngư, trò chơi bài chòi của người dân đến từ Hội An.
Các món ăn truyền thống cũng được giới thiệu đến công chúng qua hương vị của mỳ Quảng, Cao lầu, bánh đập, bánh bông hồng... Ngoài ra, hoạt động sáng tạo điêu khắc gốc tre có nguồn gốc từ nghề mộc Kim Bồng cũng được trình diễn dịp này.
Đặc biệt, năm nay chương trình có hoạt động Đêm Hội An: cùng thắp sáng di sản sẽ mở cửa miễn phí từ 17h30 - 21h mùng 8 - 9 Tết. Không gian phố cổ Hội An được tái dựng trong ánh đèn lồng rực rỡ gắn với hình ảnh các nghệ nhân đang làm gốm, mộc, đèn lồng, tượng gốc tre. Những người yêu thích hoạt động có thể tham gia trò chơi bịt bắt đập niêu, hô bài chòi, tập hát dân ca…
Ngoài ra, các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu về Tết truyền thống và văn hóa của Hội An với sự hỗ trợ của công nghệ bằng các trải nghiệm qua màn hình tương tác và thi vẽ rồng khám phá về những đứa con của rồng…
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An chia sẻ: “Đây là cơ hội tốt cho người dân Hội An giới thiệu di sản văn hóa của mình trực tiếp đến công chúng ở Thủ đô. Chúng tôi mong muốn tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của địa phương cũng như tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác cho Hội An. Qua các hoạt động thiết thực này sẽ góp phần khẳng định những giá trị thủ công và nghệ thuật dân gian trong hành trình Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Hội An đến đông đảo du khách Việt Nam và quốc tế”.
Áp dụng công nghệ khám phá văn hóa truyền thống
Các hoạt động gắn với ngày Tết truyền thống được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam duy trì như: hướng dẫn in tranh Đông Hồ của nghệ nhân ở Bắc Ninh, viết thư pháp của các thầy đồ đến từ Hà Nội; múa rối Đồng Ngư. Du khách yêu thích hội họa có cơ hội sáng tạo bộ phỗng bằng đất sét, nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp...
Bên cạnh đó, các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc như: nhảy bao bố, gánh lúa qua cầu, kéo co, đi cà kheo, rồng rắn lên mây, múa sạp, tung còn, ném pao, đẩy gậy, đánh cầu lông gà, đánh mảng... tại Vườn kiến trúc dân gian.
Một nét mới trong chương trình lần này là hoạt động áp dụng công nghệ trong khai thác và khám phá di sản văn hóa truyền thống. Công chúng có cơ hội tham gia Vui đón quà khám phá ý nghĩa Tết; QR Tour: Khám phá Tết Rồng trong không gian trưng bày của Bảo tàng; Tranh tài họa rồng và khám phá những đứa con của rồng...
Các hoạt động vừa áp dụng công nghệ để tạo ra đa dạng trải nghiệm tương tác thu hút giới trẻ vừa lồng ghép giới thiệu các thông tin văn hóa liên quan. Qua đó đã truyền tải những ý nghĩa của các di sản văn hóa đến đông đảo công chúng một cách đơn giản, dễ hiểu.
TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Bên cạnh giới thiệu nét đẹp của Tết cổ truyền, năm nay chúng tôi tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm để công chúng có nhiều lựa chọn khám phá, tìm hiểu về di sản văn hóa. Việc phối hợp với Hội An giới thiệu về nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa nơi đây trong hành trình gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Chương trình mong muốn tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ, giúp tăng cường hiểu biết về Tết truyền thống nói chung và các di sản văn hóa của Hội An nói riêng. Từ đó, các bạn trẻ thêm hiểu, trân quý văn hóa truyền thống của cha ông và nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị di sản trong xã hội đương đại”.