Sáng 9.10, tại Nhà Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội diễn ra lễ khai mạc triển lãm The La - Ngàn năm canh cửi. Triển lãm giới thiệu các loại vải the, sa, lụa, cùng với các bộ cổ phục như áo dài, áo ngũ thân... Mỗi hiện vật đều gắn liền với dòng chảy lịch sử và văn hóa của làng La Khê (nay thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội).
Điểm nhấn của triển lãm là bộ khung cửi dệt vải phỏng cổ, cho phép khách tham quan trải nghiệm tự tay dệt vải, cảm nhận được sự tinh xảo và khéo léo của người thợ xưa. Từ thế kỷ XV cho đến nay, La Khê vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống trong từng sợi vải, lưu giữ tinh hoa của nghề canh cửi qua nhiều thế hệ.
Triển lãm là bộ sưu tập độc đáo thể hiện chất liệu La Khê xuyên suốt qua các giai đoạn lịch sử, do nghệ nhân Lê Đăng Toản, người tiếp nối và gìn giữ tinh hoa nghề dệt the – lụa làng La Khê thực hiện.
Đặc biệt, 5 bộ áo dài thiết kế và tái hiện bằng hình vẽ về 5 biểu tượng đặc trưng của lịch sử, văn hóa Hà Nội cũng được trưng bày, nhằm chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và tôn vinh Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Lần đầu tiên trong không gian Văn Miếu có trưng bày về làng nghề dệt lụa của Hà Nội, tái hiện đời sống của làng dệt La Khê. Trải qua nhiều thăng trầm được nghệ nhân khôi phục và phát huy, nghề dệt La Khê đã phát triển đến hôm nay.
Trong không gian Nhà Thái Học không chỉ có sự hiện diện của tinh hoa làng nghề của La Khê mà còn có các di sản của Hà Nội trên áo dài lụa, có các trang phục do 5 sinh viên của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội thiết kế. Qua đó, tạo ra dòng chảy của những người hoạt động văn hóa, sự tiếp nối tạo niềm hy vọng về hoạt động sáng tạo của các làng nghề...
Triển lãm không chỉ là sự kết nối với quá khứ mà còn là lời tri ân dành cho văn hóa truyền thống và tinh thần của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đồng thời, lan tỏa để khách tham quan trong và ngoài nước biết đến làng nghề truyền thống này.