Tái hiện cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông

Hồng Hà 26/10/2015 08:30

Vở tuồng lịch sử Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa chính thức ra mắt công chúng Thủ đô nhân dịp kỉ niệm 707 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông về cõi niết bàn. Dù là một câu chuyện lịch sử nhưng vở diễn vẫn mang những hơi thở đương đại.

Một nhân vật có tầm vóc lịch sử

Phật hoàng Trần Nhân Tông là tác phẩm sân khấu ca ngợi công đức vị Vua đời - Vua đạo Trần Nhân Tông. Ngài là con trưởng Đức vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu, 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái tử, 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế. Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược, Trần Nhân Tông đã hai lần (1285, 1288) lãnh đạo quân, dân Đại Việt đánh tan quân giặc, bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc. Vở diễn là một bức tranh lịch sử tái hiện cuộc đời vua Trần Nhân Tông từ khi ông là một thái tử, vua, thái thượng hoàng, cho đến khi xuất gia và nhập niết bàn. Chính vì thế, hình ảnh đức vua không chỉ có bình diện Phật giáo, người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm tồn tại đến ngày nay mà là tổng hợp của nhiều phương diện. Đó là vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một bậc tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm. Yếu tố Phật giáo được xây dựng trong vở như một thành tố xây dựng nên hình ảnh của vua Trần Nhân Tông.

Theo tác giả, biên kịch Phạm Văn Quý, không phải ai cũng có cơ hội được dựng vở tuồng về vua Trần Nhân Tông. Với một nhân vật có tầm vóc lịch sử như vua Trần, làm thế nào vừa tái hiện đúng theo cứ liệu lịch sử, lại vừa bảo đảm tính nghệ thuật không hề dễ dàng. “Tôi đã viết rất nhiều về lịch sử, nhưng đề tài về Phật hoàng là một đề tài lớn và phải trở đi trở lại nhiều lần, đến khi dựng vở còn phải ngồi với đạo diễn bóc tách lại và sửa chữa sao cho đúng nhất với nhân vật lịch sử này”.

Nhằm chuyển tải những nét tiêu biểu và cốt lõi nhất về vua Trần Nhân Tông, tác giả và các nghệ sĩ đã phải nghiên cứu rất nhiều. Theo tác giả Phạm Văn Quý, những điều ông và các nghệ sĩ được biết về ngài chỉ là những điều được nghe, được đọc lại và rất nhỏ bé so với công lao của đức vua đối với đất nước. “Điều tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm là hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua có chiến tích oanh lệt chống quân xâm lược mà vượt lên trên tất cả, ngài mong muốn một sự vững bền, muốn tìm được chính đạo cho dân tộc. Chính đạo ấy mới tạo được bề dầy, một sức mạnh vô địch có thể bảo vệ được non sông đất nước khi vẫn đang ngôi Hoàng đế. Vở diễn thành công ở chỗ đưa người xem hiểu được tư tưởng lấy đạo Phật làm xuất phát điểm để hướng tới đạo nhập thế, giác ngộ”.

Mang hơi thở đương đại

 Diễn viên Trần Văn Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam, người vào vai Trần Nhân Tông cho biết, anh đã phải đọc rất nhiều tài liệu lịch sử để có thể nhập tâm vào nhân vật. “Khi đảm nhận vai diễn này, tôi luôn luôn tâm niệm diễn sao cho thấy ngài vừa là một vị vua anh minh vừa là một đức Phật. Sự giác ngộ Phật đạo và chân lý cai trị đất nước “lấy dân làm gốc” của Phật hoàng Trần Nhân Tông theo tôi vẫn luôn luôn là chân giá trị cho đến ngày hôm nay. Đó cũng là thông điệp mà tôi và các nghệ sĩ muốn gửi tới khán giả qua vở diễn này.

Lần đầu tiên NSND Trần Ngọc Giàu tham gia dàn dựng vở diễn này theo lời mời của Nhà hát Tuồng Việt Nam. NSND cho biết, cuộc đời và sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông rất nổi bật với nhiều biến động và thành tựu, bởi vậy ê kíp thực hiện đã tôn trọng và bám sát lịch sử để xây dựng nhân vật một cách chân thực. “Tuy nhiên, để khán giả được hưởng thụ nghệ thuật đúng nghĩa ở một vở tuồng, cũng như hấp dẫn được nhiều đối tượng, nhất là những khán giả trẻ, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được dàn dựng theo hơi hướng hiện đại”. Trong quá trình đó, ê kíp thực hiện nhấn vào tâm trạng, suy nghĩ, cân nhắc của nhân vật Trần Nhân Tông về sự được mất, sống còn, ở lại hay dứt bỏ để người xem thấy được ngài ở cả hai hình ảnh: Vị vua trí đức anh minh, nhà lãnh đạo tài ba, nhà chính trị kiệt xuất và một nhà văn hóa lớn, một lãnh tụ tôn giáo tuyệt vời, là hành giả trong pháp xuất thế, bậc Tổ sư của dòng Thiền Trúc Lâm riêng có ở Việt Nam tồn tại tới ngày nay.

Cảnh diễn vua Trần Nhân Tông giác ngộ và tìm ra con đường đi của đạo Phật là cảnh diễn ấn tượng song cũng mất khá nhiều thời gian của tác giả Phạm Văn Quý. “Cảnh diễn làm tôi rất trăn trở bởi nhiều lẽ, hành động của nhân vật không nhiều nhưng phải thể hiện được vua Trần Nhân Tông đã giác ngộ đạo như thế nào, chiều sâu tư tưởng của đạo Thiền không phải là mê tín mà là đạo nhập thế, cứu thế, thể hiện qua lời thoại Trong núi không có Phật mà Phật tự trong tâm, và Phật ở trong tâm, khi ta tu tâm thì thành Phật... Chính vì vậy, đây là cảnh diễn được đánh giá hay và hấp dẫn khán giả.

Với thời lượng hơn 2 tiếng, hơi dài cho một vở tuồng, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một câu chuyện lịch sử nhưng được kể với giọng tuồng mới, tạo cảm hứng cho người xem. Với cách dàn dựng hiệu quả, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, vở diễn nhờ thế không bị mất đi sức lôi cuốn như nhiều tác phẩm sân khấu lịch sử khác. Những vấn đề rất thời sự, rất nóng của cuộc sống đương đại đã được đan cài nhuần nhị với nội dung vở diễn như vấn đề thoái hóa đạo đức hay việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ… Hơn thế, đạo diễn đã xử lý tài tình khi kết hợp tốt với các thành phần sáng tạo khác, tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn cả về nội dung lẫn hình thức sân khấu, âm thanh, ánh sáng - điều vốn rất khó khăn đối với nghệ thuật tuồng. Dù còn nhiều điểm cần chỉnh sửa như có những đoạn diễn kéo dài (cảnh Thoát Hoan chui vào ống đồng, việc quân sĩ ăn mừng…) và hơi rối trong diễn xuất, vở diễn đã thành công trong việc giữ chân được nhiều khán giả trẻ. Sự truyền cảm của hành động tuồng và lối kể chuyện riêng và có hồn của tập thể nghệ sĩ đã kết nối được khán giả với sân khấu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tái hiện cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO