Tái hiện chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo

Thái Minh 06/10/2020 21:04

Chiều 10.10, tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, sẽ diễn ra tọa đàm chủ đề “Bước vào lịch sử: Chùa Một Cột và công nghệ thực tế ảo”, giới thiệu thành quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage trong việc tái lập hình ảnh, kiến trúc thời Lý của chùa Một Cột.

Chùa Một Cột - Diên Hựu là một biểu tượng của văn hóa Thăng Long. Nhưng kiến trúc hiện tại mới được phục dựng từ năm 1955, kế thừa phong cách thời Nguyễn. Vì thế, nhóm SEN Heritage, gồm TS Trần Trọng Dương, kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, họa sĩ Trần Thanh Tùng và các đồng sự muốn hướng đến tái lập mặt bằng, kiến trúc, phong cách mỹ thuật thời Lý từ các hiện vật khảo cổ và bia ký, nhằm truyền tải những tinh hoa văn hóa Đại Việt đến xã hội ngày nay.

Cụ thể, nhóm đã dựa trên phế tích cột đá Chùa Dạm (Quế Võ, Bắc Ninh) và văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121, thử đưa ra phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu - Việt sử lược) trên không gian số bằng công nghệ thực tế ảo (VR3D). Nếu như chùa Diên Hựu là mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột - tháp hoa sen nằm ở trung tâm của mandala đồng tâm đa chiều; thì các sản phẩm công nghệ số hóa là nỗ lực hiện thực hóa, hình ảnh hóa cấu trúc bình đồ và nghệ thuật kiến trúc thời Lý để người xem có thể “bước vào lịch sử, bước đi trong lịch sử”. Dù chỉ là “thực tế ảo” nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu nghiên cứu bài bản.

Tại tọa đàm, TS Trần Trọng Dương sẽ trình bày quá trình nghiên cứu đưa ra giả thiết về kiến trúc của chùa Một Cột, quá trình nhóm kiến trúc sư và công nghệ hiện thực hóa giả thiết và “dựng” kiến trúc này trên không gian số. Cùng thảo luận còn có nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS. TS Nguyễn Văn Huy.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tái hiện chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO