Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng

- Thứ Tư, 14/07/2021, 05:42 - Chia sẻ
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt nội dung trọng tâm vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn. Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần tận dụng tối đa các nguyên tắc, quan điểm đã có, xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể. Việc chỉ đề cập đến kinh tế nông nghiệp, vô hình trung bỏ mất yếu tố sản xuất nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới phải gắn với đô thị hóa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Bài học cho giai đoạn tới 

10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem lại những kết quả hết sức ấn tượng. Kết quả giai đoạn 2016 - 2020 tốt hơn giai đoạn 2010 - 2015. Vậy bài học kinh nghiệm cho việc triển khai Chương trình trong giai đoạn tới là gì?

Đặt vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, “chúng ta đã huy động được tổng lực nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và xã hội. Chính phủ đã có một quyết định rất sáng suốt, cho phép dành 8% nguồn thu được từ đấu giá quỹ đất ở cấp xã, tập trung đầu tư cho nông thôn mới. Lúc đầu, chính sách này triển khai rất tốt, tuy nhiên, cũng có xã không tiêu hết, xã không có đất để đấu giá hoặc giá đất thấp. Sau đó, Chính phủ đã có điều chỉnh lại, vẫn dành 8% nguồn thu được từ đấu giá quỹ đất ở cấp xã, nhưng gom lại cho tỉnh, huyện điều phối cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nông thôn mới được tập trung đầu tư hơn”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bài học này rất cần được phát huy trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí, có thể điều chỉnh dành 10% nguồn thu được từ đấu giá quỹ đất ở cấp xã để điều phối cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội bằng cách cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực tế cũng cho thấy, nếu như nông thôn mới trước đây chỉ dành khoảng vài tỷ đồng để đầu tư, thì một xã nông thôn mới kiểu mẫu như tại Hải Phòng phải đầu tư lên đến 185 tỷ đồng, do đó, nguồn lực cũng cần huy động nhiều hơn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn. Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tận dụng tối đa các nguyên tắc, quan điểm đã có trước đây: Xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể. Việc chỉ đề cập đến kinh tế nông nghiệp, vô hình trung bỏ mất yếu tố sản xuất nông nghiệp. Không nên bỏ tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới phải gắn với đô thị hóa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã, ứng dụng khoa học, công nghệ...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: T. Long

Cần suy nghĩ đến bảo tồn văn hóa nông thôn

Nhất trí chủ trương tiếp tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025 với những định hướng được Chính phủ, cơ quan thẩm tra báo cáo song một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không khỏi lo ngại trước tình trạng bê tông hóa nông thôn. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Đắc Vinh cho biết, giai đoạn tới rất cần suy nghĩ đến yếu tố bảo tồn văn hóa nông thôn, những nét đẹp như ao làng, đình làng, lễ hội phải được gìn giữ để nông thôn vừa có tính hiện đại vừa có tính truyền thống. Tiếp thu quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ, xây dựng nông thôn mới phải "tạo được cốt, nhưng vẫn giữ được hồn", giúp cho đời sống người dân tốt hơn, nhưng cũng phải giữ được bản sắc.

Xây dựng nông thôn mới tức là cải thiện và nâng tầm nông thôn ở mọi địa bàn, chỗ nào tốt thì phấn đấu xây dựng nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chỗ nào chưa tốt thì dần dần đưa lên đạt chuẩn. Xét trong ba chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã có địa bàn, đối tượng cụ thể, với trọng tâm là bố trí sắp xếp dân cư, giải quyết sinh kế cho đồng bào, chú trọng đến dân tộc thiểu số rất ít người, tích hợp gần 200 chính sách dân tộc vào chương trình này. Như vậy là rất mạch lạc, không trùng lặp.

Một số ý kiến cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không đầu tư tại địa bàn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là chưa hợp lý, vì như vậy, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã thuộc huyện nghèo khó đạt chuẩn nông thôn mới và mâu thuẫn với mục tiêu cụ thể của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu tách bạch nội dung chương trình nào dùng vốn chương trình đó và một địa bàn chỉ đầu tư một chương trình mục tiêu quốc gia sẽ dẫn đến một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt, không bảo đảm tính bền vững, kém hiệu quả và chậm đạt được mục tiêu chung. Do đó, Chính phủ nên chỉ đạo các cơ quan chủ trì 3 Chương trình phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, để xử lý trùng lặp trong điều hành giữa ba chương trình, Chính phủ nên cân nhắc thành lập một ban chỉ đạo cho cả 3 Chương trình, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp cả 3 Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Anh Thảo