Tái cơ cấu đầu tư công cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm
Tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 1/11 về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011 - 2015, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình quản trị, hoạt động sản xuất kinh doanh đối với khối doanh nghiệp nhà nước; thu hút nhà đầu tư trong xử lý nợ xấu ngân hàng… Và đặc biệt, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm trong tái cơ cấu đầu tư công…
ĐBQH Hoàng Thanh Quang (Quảng Bình): Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tái cơ cấu đầu tư công
Tôi đồng tình với những đánh giá trong Báo cáo giám sát của UBTVQH về việc thực hiện Nghị quyết của QH về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng, đồng thời đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tái cơ cấu đầu tư công. Trước mắt, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các bước có liên quan, xây dựng đề án tổng thể tái cơ cấu đầu tư công, xác định lộ trình, bước đi cụ thể, tạo thuận lợi cho công tác quản lý điều hành.
Thứ hai, tái cơ cấu đầu tư công cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm; nghiên cứu cơ chế mở rộng các hình thức đầu tư để huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành lĩnh vực có lợi thế. Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể các hình thức ở các thông tư như BOT, BT. Quy định cơ chế huy động vốn phần tham gia của nhà nước và phần tham gia của tư nhân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công; phân cấp, phân quyền, phân việc rõ ràng theo hướng gắn trách nhiệm của từng cấp chính quyền; sớm xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện.
Ở đây, tôi kiến nghị, một là, cần xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện chuyển đổi các dự án đầu tư chuyển sang từ ngân sách nhà nước đối với các dự án có khả năng sinh lời sang tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân thông qua các hình thức khoán, chuyển nhượng công trình, coi phần đầu tư của ngân sách là phần góp vốn của nhà nước trong các dự án này. Trường hợp các nhà đầu tư tư nhân không tham gia thì mới thực hiện đầu tư công. Hai là, có cơ chế đa dạng hóa các hình thức trái phiếu công trình trung và dài hạn, đối với những địa phương có điều kiện có thể phát hành trái phiếu công trình để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng KT - XH, nếu có đủ điều kiện vay, trả nợ và có ý kiến của Chính phủ, trên cơ sở địa phương phải kiểm soát được vốn vay và cam kết đúng kỳ hạn trả nợ. Hiện nay nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn, trong lúc nguồn ngân sách còn khó khăn, cần nghiên cứu một cơ chế để khuyến khích những địa phương có điều kiện phát hành trái phiếu để thanh toán các khoản nợ, hỗ trợ cho các dự án xây dựng dở dang.
Thứ ba, tái cơ cấu đầu tư công phải tính đến yếu tố vùng miền, các ngành lĩnh vực quan trọng có thế mạnh phát triển dài hạn của đất nước. Cụ thể, một là, tăng tỷ lệ đầu tư cho các tỉnh, vùng, miền có nhiều khó khăn, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, các địa phương nghèo ít có điều kiện để huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng KT - XH. Hai là, ưu tiêu đầu tư cho nông nghiệp, trong đó tập trung cho các công trình, dự án thực hiện tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Tiếp tục bố trí vốn, trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình thủy lợi đê kè, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền và chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các công trình liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ba là, ưu tiên tăng đầu tư công cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, phát triển nguồn nhân lực. Bởi đây là xu thế có tính tất yếu, đòi hỏi có sự đầu tư ngày càng nhiều hơn cho nguồn lực con người trước sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế phát triển của nền kinh tế.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Thực hiện mô hình tái cơ cấu kinh tế một cách toàn diện và hiệu quả hơn
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, tôi xin nhấn mạnh một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa để các bộ ngành và địa phương tiếp tục phê duyệt các đề án tái cơ cấu chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo, ngành nghề liên quan.
Thứ hai, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, từ đó tránh dựa dẫm, chủ quan, ỷ lại, xin cho, nâng cao tính công khai minh bạch của hoạt động doanh nghiệp; phải đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao.
Thứ ba, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành, tinh giảm biên chế, nâng cao kỹ năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, một số doanh nghiệp còn mang dáng dấp của thời bao cấp với bộ máy cồng kềnh, thừa thầy thiếu thợ; trong khi đang cần thợ thì không có, muốn giảm biên chế cũng không xong.
Thứ tư, các doanh nghiệp nhà nước phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm bộ chủ quản, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, quá trình tăng trưởng dựa vào tăng tích lũy vốn cộng tăng điểm tự chủ cho doanh nghiệp. Đã đến lúc cần phải mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát. Việc phân bổ sử dụng vốn phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, phải tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn Nhà nước phải là ông chủ thực sự, khác với ông chủ hờ, thụ động, chờ đợi đi xin kế hoạch, xin vốn và xin cả biên chế.
Thứ năm, cần làm rõ những gì Nhà nước không cần chi phối nắm giữ; doanh nghiệp Nhà nước phải là cốt lõi, chỉ huy, nắm đầu ra, để bảo đảm cung cấp sản phẩm đáp ứng thị trường, không nên tự động đầu tư từ đầu đến chân. Phải nâng cấp công nghệ, cải thiện, thay đổi hệ thống quản lý dây chuyền sản xuất, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đào tạo và đào tạo lại phù hợp với ngành nghề, chuyển dịch lao động mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, cũng phải thanh tra, kiểm tra, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động, bảo đảm an sinh, an tâm, tin tưởng chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo môi trường lao động phù hợp cho họ tiếp tục cống hiến đạt hiệu quả cao hơn.
Thứ sáu, tạo môi trường sản xuất kinh doanh, bình đẳng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp doanh nhân và cá nhân cũng phải đúng như sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FBI đã được quy định trong Hiến pháp. Nhà nước phải đóng vai trò then chốt trong những vấn đề cơ bản là ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách hiệu quả dễ tiếp cận, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh. Chính sách giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ thông tin phải ngang tầm, đáp ứng với từng giai đoạn phát triển KT - XH đất nước. Cuối cùng là cần thực hiện mô hình tái cơ cấu kinh tế một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Phải thực sự là bình mới và rượu cũng mới.
ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): Cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững
Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011 - 2015, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng, nhằm tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất kinh doanh trong nước, góp phần thực hiện tốt tăng trưởng kinh tế, ổn định và phát triển kinh tế của nước ta hiện nay vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Hai là, đẩy nhanh việc chuyển đổi phạm vi hoàn lại các dự án bất động sản khó có khả năng thực hiện trong tương lai vì nhiều lý do khác nhau như thiếu vốn, cung vượt quá cầu, nhằm giải quyết tình trạng đóng băng bất động sản - một trong những nguyên nhân chính gây vỡ nợ do không thể cân đối tài chính gây ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng.
Ba là, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm bảo đảm sự phù hợp, tính đồng bộ cho các ngành, lĩnh vực như quản lý đất đai, phá sản doanh nghiệp, thi hành án dân sự, các cơ chế thực thi pháp luật, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện tốt việc thu hồi nợ, xử lý tài sản nợ, tài sản bảo đảm được nhanh chóng, nhằm hạn chế và khắc phục dần tình trạng nợ xấu, nợ đọng của ngân hàng.
Bốn là, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua chỉ chú trọng nhiều những vấn đề tái cơ cấu tài chính, mà chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu quản trị và hoạt động. Do vậy, trong giai đoạn tới cần chú trọng hơn tới những vấn đề tái cơ cấu quản trị và hoạt động để hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu bảo đảm nguồn lực và phát triển nguồn lực, góp phần hoàn thành mục tiêu trước mắt và lâu dài trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Năm là, từng bước thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất và quản lý sở hữu chéo; xử lý kịp thời nguyên nhân đối với các hành vi vi phạm pháp luật với sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng bằng cách minh bạch hóa hệ thống thông tin, tỷ lệ và đối tượng sở hữu, thậm chí thực hiện cưỡng chế bằng các biện pháp hành chính. Đồng thời, xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức tín dụng tìm các lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.
Sáu là, cần đề cao hơn nữa nguyên tắc thị trường và kỷ cương tín dụng, an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhằm góp phần xử lý kịp thời và triệt để các yếu kém trong hoạt động tín dụng và hệ thống tổ chức tín dụng.
ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang): Có những giải pháp quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế
Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 8/11/2011 của QH về kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2011 - 2015, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ cơ cấu, tổng thể lại nền kinh tế, tập trung cho 3 lĩnh vực quan trọng. Trong đó, quan trọng là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại. Theo chủ trương này, Thống đống ngân hàng Nhà nước đã tiên phong thực hiện Nghị quyết của QH về tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, ban hành một số chính sách quản lý về điều chỉnh chính sách tiền tệ, quản lý nội ngoại hối, quản lý thị trường vàng… Những chính sách này đã ra đời góp phần kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Về lâu dài, các chính sách của ngân hàng đã hướng tới hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Về xử lý nợ xấu, từ năm 2012 đến tháng 8/2014 toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 214 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nợ xấu cũng đang tác động đến nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn qua là không nhỏ với nhiều nguyên nhân. Trước hết là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư kém. Điều này đồng nghĩa với năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Việc nới rộng tín dụng nhiều năm dẫn đến nhiều siêu dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản khiến thị trường phát triển quá nóng. Từ đó phải thắt chặt tín dụng các dự án đang dang dở, không có tiền để triển khai, hoặc nếu có tiền triển khai cũng không bán ra được. Chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý về nợ xấu trong khi các chế tài, các chế định tài chính còn đang chưa đạt yêu cầu. Cùng với đó, cải cách thể chế về kinh tế còn chậm và cải cách hành chính tuy đã thực hiện nhiều năm nhưng kết quả chưa thu được nhiều, thị trường bất động sản chuyển biến chậm, tồn kho lớn trong khi nhu cầu của một bộ phận nhân dân quan tâm đến nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chưa đáp ứng được.
Tôi đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 lĩnh vực, quan trọng là cơ cấu lại đầu tư trọng tâm là cơ cấu đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Về xử lý nợ xấu, đề nghị đưa các tổ chức tín dụng hoạt động theo chiều hướng quốc tế, các tiêu chí cho vay và đánh giá tài sản phải bảo đảm tiêu chuẩn. Giải quyết nợ xấu phải có nguồn lực, nguồn lực ít sẽ giải quyết nợ xấu kéo dài, còn ngược lại nếu nguồn lực lớn sẽ giải quyết nhanh hơn. Do vậy, phải có nguồn lực nhất định để tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và giải quyết nợ xấu nói riêng. Theo đó, phải lấy nguồn lực trong cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các nguồn vốn khả dụng khác.