Tách bạch hạnh kiểm và học lực

Bảo An 07/11/2015 08:38

Trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua, hàng loạt thí sinh từ đỗ thành trượt vì không đạt “chuẩn” hạnh kiểm. Điều này đã làm dấy lên những tranh luận về việc xếp loại hạnh kiểm trong trường phổ thông.

Đánh giá hạnh kiểm của học sinh là cần thiết, nhằm đánh giá mức độ rèn luyện, phấn đấu của học sinh trong từng học kỳ. Mặc dù đại đa số học sinh không có vấn đề gì về xếp loại hạnh kiểm, nhưng cũng có trường hợp việc xếp loại hạnh kiểm không thấu đáo đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và tương lai của học sinh. 15 thí sinh bị rớt Đại học Sư phạm Huế vì lý do hạnh kiểm trung bình là một trong những ví dụ đó.

Trong thực tiễn, Thông tư 58 của Bộ GD - ĐT đưa ra các căn cứ đánh giá, tiêu chuẩn và xếp loại nhưng có sự trùng lặp giữa căn cứ và tiêu chuẩn, chưa có độ phân biệt, ranh giới rõ ràng giữa các mức xếp loại (tốt, khá, trung bình, yếu) nên giáo viên rất lúng túng khi vận dụng. PGS. TS. Văn Như Cương băn khoăn, cách chấm điểm “hạnh kiểm” trên ghế nhà trường của chúng ta hiện vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể. Bao nhiêu lần bỏ học, không làm bài, nói chuyện riêng... là các tiêu chí để học sinh sẽ bị xếp mức hạnh kiểm trung bình hoặc thấp hơn? Những điều ấy chưa được chính thức đặt ra để thảo luận, lấy ý kiến, chứ chưa nói tới việc “chuẩn hóa” bằng văn bản.

Không ít giáo viên, nhà trường sẵn sàng “hạ hạnh kiểm” học sinh vì những lỗi nhỏ có tính chất tiểu tiết như không mặc đồng phục, nói chuyện trong giờ, đi học muộn… Trong khi, những lỗi này không thuộc về bản chất nhân cách. Còn nhớ, trong một chương trình phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam trên VTV1 cách đây không lâu, kết quả khảo sát về việc đánh giá đạo đức học sinh đã thu nhận được nhiều ý kiến đáng quan tâm. Có gần 90% người được hỏi cho rằng việc đánh giá hạnh kiểm hiện nay trong nhà trường là không phù hợp, cần phải điều chỉnh; khoảng 53% cho rằng hạnh kiểm là thứ không thể đánh giá theo tiêu chí tốt, khá, trung bình, yếu, kém như hiện nay.

Đặc biệt, theo quy định hiện hành của Bộ GD - ĐT, nếu học sinh có học lực yếu, hạnh kiểm cũng không thể tốt. Là người từng có kinh nghiệm giáo dục học sinh có cá tính, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội cho rằng, không hẳn cứ là học sinh có học lực trung bình là phải bị xếp loại hạnh kiểm trung bình hoặc yếu. Một học sinh luôn nỗ lực để học, tham gia hoạt động tập thể, nhưng vì năng lực tiếp thu hạn chế nên mới bị xếp loại học lực trung bình, còn hạnh kiểm có thể được xếp loại khá, hoặc thậm chí là tốt. Xét về mặt tâm lý, việc xếp loại thứ bậc về hạnh kiểm là điều phải cân nhắc.

Mỗi con người đều có những mặt mạnh, yếu nhất định. Mục tiêu cuối cùng của việc xếp loại là để có các giải pháp hỗ trợ học sinh tiến bộ hơn, để giáo viên lớp sau, cấp học sau hiểu rõ quá trình phát triển của học sinh để lắng nghe, chia sẻ, chứ không chỉ là đưa ra các hình thức phạt một cách áp đặt. Những quyển sổ học bạ đáng lẽ phải như một bản ghi chép để có thể tìm hiểu về cả quá trình phát triển của học sinh, chứ không phải chỉ là một thứ giấy tờ với mấy chữ “tốt”, “khá”. Và quan trọng hơn, không nên để xảy ra tình trạng xếp loại hạnh kiểm “ăn theo” học lực như hiện nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tách bạch hạnh kiểm và học lực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO