Tác phẩm kém sẽ bị đào thải

Thanh Yến 30/08/2016 07:49

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn học cũng tuân theo sự điều tiết của thị trường. Tác phẩm văn học vừa là sản phẩm tinh thần, vừa là hàng hóa, vận hành theo quan hệ giá trị cung - cầu. Đây là ý kiến được các nhà nghiên cứu khẳng định tại hội thảo khoa học “Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn”, do Viện Văn học tổ chức ngày 29.8.

Tác động hai chiều

Theo GS.TS. Trần Đình Sử, khi nhắc đến mối quan hệ giữa văn học và thị trường, người ta thường nghĩ ngay đến mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường đối với văn học, nhưng thực ra quan hệ này luôn tác động qua lại, thể hiện qua 3 khía cạnh: Văn học trở thành hàng hóa, thị trường là môi trường tiếp xúc bình đẳng, cung và cầu là quy luật điều tiết của thị trường.

Thị trường văn học thường đi theo các phong trào văn hóa, tư tưởng xã hội. Nhà xuất bản đồng hành với các phong trào văn hóa xã hội nhưng cũng có thể tạo ra nhu cầu sách báo trong một phạm vi nào đó, như nhóm người đọc nhất định. Mặt khác, nhà văn khi đã có tên tuổi sẽ được các nhà xuất bản săn đón, mua tác phẩm để phát hành ra thị trường. Như vậy, văn học và thị trường là mối quan hệ hai chiều. Nhà văn cần thị trường đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc và thị trường sách cũng phải dựa vào tên tuổi các nhà văn để kinh doanh. Do đó, nền kinh tế thị trường đã cải tạo thị trường sách và làm cho văn học Việt Nam phát triển đa dạng.

Nhà văn cần thị trường để đưa tác phẩm đến với bạn đọc
Nhà văn cần thị trường để đưa tác phẩm đến với bạn đọc 

Kinh tế thị trường đồng nghĩa với thuận mua, vừa bán và góp phần tạo ra cơ chế dân chủ. Ở đó người đọc có cơ hội tiếp xúc, tự do lựa chọn tác phẩm phù hợp với thị hiếu, sở thích của bản thân; ngược lại, các tác giả cũng phải sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của công chúng. Tất nhiên, có những người lợi dụng thị hiếu tầm thường để cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật chưa cao, nhưng không thể phủ nhận rằng cơ chế dân chủ này tạo điều kiện cho văn học phát triển một cách tự nhiên. Từ đầu thế kỷ XX, câu chuyện văn học nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường đã được nói đến trong thơ Tản Đà, Vũ Đình Liên hay những áng văn xuôi của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…

Như vậy, từ khi tác phẩm văn học được trả nhuận bút và lưu thông đến tay người đọc, thì yếu tố thị trường đã hiện diện trong đời sống văn học. “Văn học dù là hoạt động sáng tạo tinh thần vẫn phải vận hành theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét tác động tiêu cực của những tác phẩm văn học chỉ hướng đến giá trị thương mại, câu khách mà xem nhẹ giá trị nhân văn, xem nhẹ những vấn đề nóng bỏng của đất nước” - PGS.TS.Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học nhấn mạnh.

Xây dựng thị trường văn học lành mạnh

 “Không có cái gì tự nhiên sinh ra. Văn học là một phần quan trọng của văn hóa, nền văn hóa phát triển mới có nền văn học phát triển. 10 thế kỷ văn hóa chúng ta mới có một đại thi hào như Nguyễn Du, thì muốn xây dựng nền văn học phát triển cao phải dựa trên một phông văn hóa ổn định. Văn hóa cao thì thị hiếu, gu thẩm mỹ của công chúng, chất lượng tác phẩm cũng được nâng lên và khi đó mới có thị trường văn học lành mạnh đúng nghĩa”.

PGS.TS. Lê Đình Cúc

Sự phát triển của thông tin, truyền thông và internet đã tạo cho thị trường văn học phát triển sôi động nhưng cũng kéo theo nhiều mặt hạn chế. Văn học được xem như hàng hóa chịu sự chi phối của người tiêu dùng. Nhà văn phải đáp ứng thị hiếu của người đọc và tự bản thân mỗi người phải thay đổi cách viết, tìm tòi những đề tài mới, từ đó tạo ra sự đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và khuynh hướng thẩm mỹ, nhưng kèm theo đó là những bối rối, hoang mang, dẫn đến sự suy giảm giá trị văn học đích thực. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, thị hiếu và nhu cầu người đọc có khả năng chi phối, tác động, quy định thị trường sách, nhưng ở chiều ngược lại, thị trường sách văn học cũng góp phần tạo lập định hướng thị hiếu, định hướng tác giả, hệ thống chủ đề, đề tài, cốt truyện, lối viết... Một tác phẩm kém chất lượng, chạy theo thị hiếu tầm thường, có thể kích thích trí tò mò của độc giả trong một thời điểm nào đó, nhưng cuối cùng sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.

Để xây dựng một thị trường văn học lành mạnh phụ thuộc rất lớn vào tài năng của người cầm bút cũng như thị hiếu của người đọc. Các nhà phê bình, các giải thưởng văn học và đặc biệt là truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong quảng bá tác phẩm cũng như định hướng thị hiếu, gu thẩm mỹ của người đọc trong việc tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Ngoài ra, với sự bùng nổ của internet, văn học mạng ra đời như một hình thức xuất bản mới, tạo không gian rộng mở và tự do trong sáng tác, công bố tác phẩm, thể hiện quan điểm cá nhân… Thực tế này đòi hỏi phải có chế tài quản lý, kiểm duyệt nội dung trước khi các tác phẩm này đến với bạn đọc…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tác phẩm kém sẽ bị đào thải
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO