Tác hại của đồ uống có đường: Thuế tiêu thụ đặc biệt - Giải pháp điều tiết tiêu dùng
Những năm gần đây, thị trường đồ uống có đường (ĐUCĐ) tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển sôi động với tốc độ tiêu thụ tăng trưởng nhanh chóng. Song hành với sự phát triển này, Việt Nam cũng đang đối mặt với những gánh nặng lâu dài đối với hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng.
Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như một công cụ chính sách hiệu quả để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường.
Giải pháp cùng có lợi
Tại hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với WHO và HealthBridge tổ chức ngày 28/4/2025, bà Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – khẳng định, thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp hiệu quả để định hướng lại hành vi tiêu dùng. Bà nhấn mạnh: “Đánh thuế đồ uống có đường là giải pháp cùng có lợi, một chiến thắng cho sức khỏe cộng đồng, giúp giảm chi phí y tế và là một chiến thắng cho ngân sách nhà nước”.
WHO cho biết, hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện đã triển khai thuế với ĐUCĐ, trong đó nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Lào đã đi trước Việt Nam trong chính sách này. Tuy nhiên, tại các quốc gia đó, chính sách thuế luôn được triển khai theo lộ trình rõ ràng, có tham vấn doanh nghiệp, nhằm hạn chế tác động đột ngột đến ngành sản xuất và thương mại.

Hay tại Mexico, từ tháng 1/2014 áp dụng thuế tuyệt đối 1 peso/lít đối với đồ uống có đường (trừ nước ép nguyên chất), mức tiêu thụ giảm trung bình 6% trong năm đầu và đến 12% vào cuối năm. Người dân có thu nhập thấp giảm tiêu thụ mạnh hơn, tới 17%. Chính sách giúp ngăn chặn hơn 239.000 ca béo phì, tiết kiệm gần 4 tỷ USD chi phí y tế trong dài hạn, và không làm giảm việc làm trong ngành sản xuất.
Tại Thái Lan, từ năm 2017, áp dụng mức thuế hỗn hợp tùy theo hàm lượng đường. Mức tiêu thụ đồ uống có ga giảm 17,7%/năm, trong khi tỷ lệ béo phì giảm tương ứng từ 1,7% đến 4,9%. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến công thức sản phẩm để đáp ứng quy định mới và thích nghi thị trường.
Tại Nam Phi, sau khi áp dụng thuế từ năm 2018 với mức 0,021 ZAR cho mỗi gram đường/100ml, lượng đường tiêu thụ giảm 51%, năng lượng nạp vào giảm 52%, và thể tích tiêu thụ giảm 37%. Mô hình dự báo cho thấy chính sách có thể ngăn chặn 72.000 ca tử vong sớm, tiết kiệm 5 tỷ ZAR (khoảng 300 triệu USD) chi phí y tế trong 20 năm. Đặc biệt, không làm giảm lao động trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống.
Khi có thời gian chuẩn bị hợp lý, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống sẽ có điều kiện chuyển đổi công thức sản phẩm, giảm dần hàm lượng đường, phát triển các dòng sản phẩm lành mạnh hơn, vừa phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới, vừa duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định.
Những bước đi đầu tiên
Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, với mức thuế 8% từ năm 2027 và 10% từ năm 2028. Đây là mức khởi điểm được tính toán dựa trên các yếu tố thực tiễn của thị trường Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thích nghi dần cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, dù mức thuế hiện tại còn cách xa so với mức khuyến nghị 40% từ WHO, nhưng đây là bước khởi đầu quan trọng. Việc mở rộng phạm vi và điều chỉnh thuế suất cần được tiến hành theo lộ trình, bảo đảm tính khả thi, không gây sốc cho doanh nghiệp và giữ ổn định thị trường.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất trong tương lai cần nghiên cứu bổ sung các sản phẩm ĐUCĐ khác, như trà sữa, nước tăng lực, nước ép có đường… vào diện điều tiết thuế, song song với việc triển khai chiến dịch truyền thông nhằm tăng hiểu biết của người dân về lựa chọn đồ uống lành mạnh.
Thúc đẩy sự đổi mới từ phía doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách thuế sẽ chỉ hiệu quả khi kết hợp cùng nỗ lực đổi mới từ phía doanh nghiệp. Tại một số quốc gia, doanh nghiệp đã nhanh chóng điều chỉnh công thức, giảm lượng đường trong sản phẩm mà vẫn giữ được hương vị hấp dẫn và giá thành hợp lý.
Việc đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên hoặc phát triển các dòng sản phẩm “ít đường - không đường” đang là hướng đi được người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu nhìn từ góc độ tích cực, chính sách thuế không phải là trở lực, mà chính là động lực để doanh nghiệp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và hướng tới phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, chính sách thuế cần song hành với các ưu đãi nhất định cho doanh nghiệp tiên phong cải tiến công thức, hoặc các chương trình hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm lành mạnh – nhằm bảo đảm sự công bằng giữa điều tiết và phát triển.

Ảnh: Hoàng Yến
Dưới góc nhìn tổng thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường không chỉ là biện pháp tài chính, mà còn là một chính sách điều tiết sức khỏe công cộng và hành vi tiêu dùng. WHO và Bộ Y tế Việt Nam đều thống nhất rằng, chính sách này mang lại ít nhất ba lợi ích thiết thực.
Thứ nhất, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua việc giảm tiêu dùng các sản phẩm có hàm lượng đường cao. Người tiêu dùng được định hướng lựa chọn thức uống có lợi cho sức khỏe hơn.
Thứ hai, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để tái đầu tư vào các chương trình y tế dự phòng, giáo dục sức khỏe, nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ sở.
Thứ ba, tạo động lực để thị trường đồ uống chuyển hướng phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng và xu thế tiêu dùng hiện đại.
Trước nhiều ý kiến lo ngại về tác động của thuế đến sản xuất, các chuyên gia cho rằng, cần một lộ trình phù hợp, minh bạch, có tham vấn doanh nghiệp và đánh giá tác động đầy đủ. Điều quan trọng không chỉ là tăng mức thuế bao nhiêu, mà là triển khai một chính sách có trách nhiệm, hài hòa lợi ích của các bên.
Chính vì vậy, cần xây dựng quy định chi tiết về các nhóm sản phẩm chịu thuế theo mức độ đường, bảo đảm phân loại hợp lý. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm “dưới ngưỡng đường chịu thuế” như một giải pháp trung hòa lợi ích chính sách - thị trường.
Rõ ràng, việc kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật đang ngày một gia tăng. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là một giải pháp phù hợp, nhưng cần triển khai khéo léo, từng bước, với sự đồng hành của cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để ngành hàng này tái cấu trúc theo hướng sáng tạo, thân thiện với sức khỏe và bền vững về dài hạn.
Theo số liệu từ Bộ Y tế và WHO, từ năm 2009 đến 2023, tổng lượng nước ngọt tiêu thụ tại Việt Nam đã tăng gấp hơn 4 lần, từ 1,59 tỷ lít lên tới 6,67 tỷ lít. Bình quân đầu người tiêu thụ nước ngọt tăng từ 18,5 lít/năm lên đến 66,5 lít/người/năm.