Tản mạn

“Ta còn em”

- Thứ Bảy, 20/07/2019, 08:21 - Chia sẻ
Hà Nội của Phan Vũ ngay trong những ngày chiến tranh và gian khó vẫn đẹp và buồn một cách cổ điển, sang trọng và trí thức - những thứ giờ đây ngày một lùi xa...

Có thể không thật nhiều người biết nhà thơ Phan Vũ. Nhưng đoán chắc rất nhiều người biết đến “Em ơi Hà Nội phố”, đã trở thành một cái câu cửa miệng dân gian: Em ơi Hà Nội váy, Em ơi Hà Nội bus, Em ơi Hà Nội khói...

Một trường ca về Hà Nội, 443 câu thơ, chia làm 24 khổ, như 24 khoảnh khắc trong ngày (chỉ 21 câu được phổ biến hơn khi nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc), được Phan Vũ viết từ năm 1972, một thời gian dài không được in trong tập thơ nào. Cái nỗi buồn rất nghệ sĩ với Hà Nội làm sao có thể được chấp nhận ở cái thời “cái tôi phải nhường chỗ cho cái ta” thuở ấy. 

Nhưng nguồn cơn của bài thơ thực ra lại đến từ kịch bản phim điện ảnh “Hà Nội phố” mà Phan Vũ viết cuối thập niên 1960. Nhân vật chính trong kịch bản này là kiến trúc sư tên Hải, suốt ngày lang thang với cây đàn ghi ta, hát và đọc thơ, cùng ước mơ tái thiết một Hà Nội tươi đẹp, yên bình sau chiến tranh. Phan Vũ ôm ấp nhiều năm để thực hiện phim này, nhưng bất thành, thế là ông dần dần tách những câu thơ ra khỏi bài hát trong kịch bản. Rồi dần dần hình thành nên bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” từ giữa năm 1972. Cách phổ biến bài thơ này là đọc ở các quán nước, quán bia hơi, từ 5 - 6 khổ, bài thơ cứ dài ra dài ra, rồi chỉnh sửa, thêm bớt, nên có nhiều dị bản. Đến bản in trong cuốn “Ta còn em” (2018) thì có 443 câu.

“... Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường” - Người nghệ sĩ ấy hôm nay đã thôi lang thang hoài trên phố, để lang thang ở một nơi xa bất tận.  Hôm qua, làng văn nghệ cùng những bạn đọc, bạn viết yêu quý Phan Vũ đã ngậm ngùi tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. “Người đi, ừ nhỉ, người đi thực”, nhưng sẽ còn mãi một Hà Nội của Phan Vũ ngay trong những ngày chiến tranh và gian khó vẫn đẹp và buồn một cách cổ điển, sang trọng và trí thức - những thứ giờ đây ngày một lùi xa, như dĩ vãng... Có lẽ nào, có lẽ nào, ta chỉ còn em...

“... Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...”

Vĩnh biệt ông, ngôi sao không lẻ bóng!

Thủy Phạm