Sự sụp đổ bất ngờ
Cuộc tấn công chớp nhoáng do lực lượng đối lập, dẫn đầu bởi nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã chiếm giữ hàng loạt thành phố lớn như Aleppo, Hama, Homs và cuối cùng là Thủ đô Damascus chỉ trong 10 ngày. Điều này khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ vì trước đó cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm vẫn trong thế bế tắc.
Dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Abu Mohammed al-Golani, HTS từng bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Nhóm này đã tuyên bố chấm dứt quan hệ với Al Qaeda từ năm 2016 và tái định hình như một lực lượng đối lập trong nội bộ Syria. HTS nỗ lực đổi mới hình ảnh ôn hòa hơn, bao gồm cả việc trấn áp một số nhóm và chiến binh Hồi giáo cực đoan trên lãnh thổ của mình, cũng như khẳng định cam kết bảo vệ quyền lợi của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Các lực lượng quân đội của ông Assad gần như không thể kháng cự trước sức ép từ HTS, trong bối cảnh các đồng minh chính của Syria là Nga, Iran và Hezbollah đang “bận rộn” với các cuộc xung đột khác, đặc biệt là chiến tranh ở Ukraine và căng thẳng tại Gaza.
Trong nhiều năm, Tổng thống Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và ngoại giao từ các đồng minh chủ chốt là Nga và Iran. Sự can thiệp quân sự của Nga và Iran từng giúp ông kiểm soát lại phần lớn lãnh thổ, nhưng những ưu tiên chiến lược khác của hai nước trên hiện nay đã khiến chế độ của ông Assad suy yếu đáng kể. Điều này đã tạo ra cơ hội cho lực lượng đối lập Syria tấn công chính quyền Tổng thống Assad bị cô lập.
Trước diễn biến bước ngoặt ở Syria, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng trên mạng xã hội rằng, Mỹ sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột này: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta. Hãy để nó tự diễn ra”. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh lập trường tương tự, khẳng định rằng mục tiêu duy nhất của sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria là ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thách thức và tương lai của Syria
Syria hiện có lực lượng mới nắm quyền: HTS và ban lãnh đạo của lực lượng này, do thủ lĩnh Abu Mohammad al-Jolani dẫn đầu. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước mắt. Syria là quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo, bao gồm người Sunni, Shia, Alawite, Druze, và cộng đồng người Kurd. Sự sụp đổ của chế độ của Tổng thống Assad để lại khoảng trống quyền lực lớn, dễ dẫn đến xung đột giữa các nhóm trên nếu không có sự phối hợp chặt chẽ.
Do đó, ban lãnh đạo mới trước hết sẽ phải nhanh chóng thống nhất về cách chia sẻ quyền lực giữa liên minh các nhóm đối lập để tránh nguy cơ xung đột nội bộ, đồng thời cố gắng bảo đảm không có nhóm vũ trang nào có khả năng phản đối sự lãnh đạo của họ. Ông Al-Jolani có khả năng trở thành tổng thống sáng lập của Syria mới, nhưng cách thức phân bổ phần quyền lực còn lại vẫn chưa chắc chắn.
Có vẻ như phe nổi dậy chưa chuẩn bị để tiếp quản đất nước nhanh chóng như vậy và họ có thể không có thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Điều này cần phải được đàm phán và giải quyết nhanh chóng. Theo giới phân tích, Chính phủ mới có khả năng sẽ công nhận các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd Syria (YPG) và những vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát sẽ là khu vực tự trị trong Syria. Tuy nhiên, một nhà nước Kurd độc lập sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ, nước hậu thuẫn bên ngoài chính của phe đối lập, phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, lịch sử dường như đang chuyển động có lợi cho người Kurd. Hiện tại, khả năng cuối cùng là một nhà nước Kurd độc lập, có khả năng kết hợp miền Bắc Iraq và Đông Bắc Syria thành một thực thể duy nhất.
Thách thức thứ hai là nhận được sự công nhận của quốc tế vì đây là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của Chính phủ mới. Những bên tham gia chính trong quá trình này là Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Israel (thông qua Mỹ). Có khả năng tất cả sẽ công nhận Chính phủ mới với điều kiện là thành lập một chính quyền ôn hòa, kiềm chế không chiến đấu với YPG người Kurd và không ủng hộ Hezbollah hoặc Hamas. Với thành công bất ngờ trong việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad nhanh chóng như vậy, HTS có khả năng chấp nhận những điều kiện này để đổi lấy viện trợ và sự công nhận.
Câu hỏi đặt ra là lực lượng nổi dậy sẽ định hình một trật tự chính trị như thế nào. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, thủ lĩnh HTS Al Jolani đã chia sẻ hai điểm đáng chú ý. Ông cho biết bản thân và các lãnh đạo khác trong nhóm đã trưởng thành cả về tư duy lẫn nhận thức về Hồi giáo theo thời gian, cho thấy những quan điểm cực đoan khi còn trẻ đã dần thay đổi. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định, lực lượng nổi dậy sẽ tôn trọng các quyền tự do cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số. Trên mặt trận chính sách kinh tế và đối ngoại, các nhà lãnh đạo mới của đất nước có thể sẽ thực dụng, cởi mở với các liên minh với các cường quốc khu vực và toàn cầu đã ủng hộ họ.
Thách thức tiếp theo là xây dựng lại đất nước và duy trì sự thống nhất. Điều này là cần thiết để ngăn chặn một cuộc nội chiến khác bùng nổ - lần này là giữa những người chiến thắng.
Tuyên bố gần đây từ Bộ phận Chính trị của HTS cho biết, Syria mới sẽ tập trung vào xây dựng, tiến bộ và hòa giải. Chính phủ mới đặt mục tiêu tạo ra các điều kiện tích cực cho những người Syria phải di dời trở về đất nước, thiết lập mối quan hệ xây dựng với các nước láng giềng và ưu tiên tái thiết nền kinh tế.
Ban lãnh đạo mới của Syria sẽ có thể xây dựng Hiến pháp mới, bởi một hệ thống pháp lý minh bạch và bao trùm là cần thiết để thiết lập lòng tin giữa các nhóm dân. Chính quyền cần tổ chức các cuộc đối thoại toàn diện để bảo đảm tiếng nói của mọi cộng đồng được lắng nghe. Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Israel và Jordan… sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh khu vực. Đặc biệt, cần giải quyết xung đột với người Kurd để ổn định biên giới phía Bắc. Chính quyền mới cũng cần tái thiết quan hệ với Nga và Iran, bởi dù từng là đồng minh của chế độ Tổng thống Assad, hai nước vẫn có thể là những đối tác quan trọng trong việc tái thiết Syria nếu các mối quan hệ này được định hình lại một cách thực dụng.
Nội chiến đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng của Syria, từ bệnh viện, trường học đến hệ thống cung cấp điện và nước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi phí tái thiết có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Do đó, để khôi phục nền kinh tế, chính quyền mới cần thiết lập môi trường đầu tư an toàn và minh bạch, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Liên Hợp Quốc.
Nói chung, Syria đã bước vào giai đoạn mới trong lịch sử hiện đại của họ. Thời gian qua, Trung Đông chứng kiến quá nhiều biến động, nhưng sự kiện này mang lại hy vọng về tương lai khác biệt cho Syria và khu vực. Liệu Syria có thể vượt qua những vết thương của quá khứ xung đột và tiến tới hòa bình? Thời gian sẽ trả lời, và điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng lãnh đạo của chính quyền mới, cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.