Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:

Suy tư và gửi gắm

- Thứ Ba, 18/05/2021, 22:30 - Chia sẻ

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại,
Đại biểu Quốc hội Khóa IX, X, XI

Cả nước sẽ bầu Quốc hội Khóa mới vào ngày 23.5 tới. Từ thực tế đã trải nghiệm, xin gửi đôi điều suy tư và gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội với mong ước Quốc hội Khóa XV sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.


Lắng đọng từ một quãng đời cuốn hút và phong phú

15 năm hoạt động nghị trường vào thời điểm các Khóa IX, X, XI là quảng đời rất nhiều ý nghĩa đối với tôi.

Năm 1992 đất nước chuyển mình đi vào công cuộc Đổi Mới, lo ổn định nền kinh tế, giải quyết căn cơ vấn đề an ninh lương thực, mở đường cho xuất khẩu trong hoàn cảnh bị bao vây cấm vận ngặt nghèo. Rồi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, Việt Nam gia nhập ASEAN. Kế tiếp, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Thương mại song phương. 5 năm sau, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới…

Có tham dự những ngày tháng Quốc hội thảo luận để biểu quyết thông qua, rồi sửa đổi bổ sung các Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài, Luật Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Luật Quốc tịch, Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… để chỉ nêu lên một vài luật, pháp lệnh, mới thấm thía những trăn trở, sự chuyển mình cần thiết để Đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nhưng điều gì lắng đọng nhất trong 15 năm sôi nổi ấy, tôi vẫn muốn đúc kết. Tất nhiên tôi đã phải nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện những điều đã hứa với cử tri. Mỗi đại biểu đến với Quốc hội với hành trang hiểu biết từ vị trí công tác của mình, trong khi để hoàn thành ba nhiệm vụ cơ bản của Quốc hội (lập pháp, giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước) đòi hỏi một vốn hiểu biết rộng và sâu, một trải nghiệm thực tế có bề dày lớn hơn rất nhiều. Phải nỗ lực là vì thế.

Nhưng trong chiều ngược lại, hoạt động nghị trường cũng đã làm giàu vốn sống, mở rộng tầm hiểu biết của tôi về những vấn đề của đất nước trong thời buổi cách mạng công nghiệp diễn ra ngày càng nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau cùng nghị trường còn là môi trường giúp tôi trau dồi các kỹ năng cần có của một người đại biểu dân cử.

Hai chiều chonhận này thật phong phú, đã cuốn hút tôi không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động nghị trường của mình. Tôi cảm nhận đây là điều lắng đọng nhất khi nhìn lại chặng đường 15 năm hoạt động nghị trường của mình.

Hoạt động của Quốc hội Khóa XV và các khóa tiếp theo chắc cũng sẽ cuốn hút và phong phú, thậm chí còn hơn, với những mục tiêu khá cao đề ra cho hai điểm hẹn 100 năm thành lập Đảng100 năm thành lập Nước. Tôi tin như vậy.

Một thời và mãi mãi …

Xa nghị trường, Giáo sư có trăn trở, hay nuối tiếc gì vì mình chưa thực hiện được”, nhiều nhà báo cho tới nay vẫn còn hỏi tôi.

Có nhiều, nhiều lắm. “Nhưng chưa thực hiện được thì tiếp tục, làm thực chất cho dù không còn là đại biểu Quốc hội nữa” tôi đã tự nhủ như vậy khi nhận được quyết định nghỉ hưu theo chế độ cuối năm 2007.

Tôi đã trở về với hoạt động khoa học, giáo dục đào tạo, với những thách thức mà đất nước và đồng bằng sông Cửu Long đối diện.

Có một điều khác trước. Tôi trở về với tâm thế của một - người – đã - từng – là - đại - biểu - Quốc - hội, như tôi đã viết trong bài “Một thời và mãi mãi” trong Báo Xuân Đại biểu Nhân dân Tết 2019. Tôi không chỉ quan tâm mặt học thuật mà luôn nghĩ đến làm gì ích nước, lợi dân; làm gì để tiền thuế của cử tri góp thành ngân sách nhà nước không bị tham nhũng, tiêu cực cắt xén, bòn rút được sử dụng có hiệu quả; để sự phát triển đất nước được bền vững.

Với tâm thế đó tôi tiếp tục đến những nơi tôi thấy cần đến, góp ý phản biện, chỉ ra những điểm yếu, những thiếu sót trong nhiều dự án, công trình quy mô do các tập đoàn tư vấn quốc tế xây dựng (MDP, MDS, MDIRP) cũng như của các Bộ ngành trong nước; đã Nhìn lại 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long để đề xuất đã đến lúc phải Định hình lại phát triển bền vững vùng đất này, trình bày Quan điểm về quy hoạch phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, nhìn lại việc Triển khai các đột phá chiến lược, đặc biệt về hạ tầng cơ sở giao thông, Nhiệt điện than trong một Tổng sơ đồ năng lượng quốc gia đổi mới… và Chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cạnh tranh tài năng toàn cầu hiện nay, … [1].

Tôi xem đó như những hòn đá nhỏ góp vào con đường phát triển bền vững đất nước, và đã gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có liên quan để thông tin và mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội.

Với tâm thế Một thời và mãi mãi, 15 năm sau 15 năm hoạt động nghị trường cũng phong phú và cuốn hút không kém!

Luôn vượt lên chính mình

Vào giữa nhiệm kỳ Khóa XI xuất hiện trên báo chí câu nói “Nhất Ngoạn, Nhì Trân, Tam Lân, Tứ Quốc”.

Cho đến thời điểm đó, những đại biểu Quốc hội tích cực phát biểu tại nghị trường còn ít. Số nội dung cũng như số đại biểu tham gia tranh luận và chất vấn không nhiều như bây giờ. Có lẽ vì vậy mới có câu nói trên.

Tuy nhiên “Nhì Trân” theo tôi hiểu không phải chỉ vì số lần tôi phát biểu mà có lẽ còn vì những vấn đề tôi nêu lên, thảo luận, tranh luận, chất vấn sát với những vấn đề mà xã hội đang đối diện: tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, sử dụng vốn ODA, chất lượng giáo dục và đào tạo…

Mỗi lần góp ý, mỗi cuộc tranh luận, chất vấn đối với tôi là một quá trình lao động (xác định rõ mục đích, tìm số liệu, dẫn chứng từ thực tế; tự phản biện mình trước, và chuẩn bị các tình huống tranh luận tiếp). Rồi còn lựa chọn lúc nào phát biểu! Nếu đứng lên phát biểu là bề nổi, thì quá trình chuẩn bị là phần chìm quyết định chất lượng của phát biểu. Không chỉ của riêng tôi, tôi nghĩ vậy.

Nhận xét “Nhất Ngoạn, Nhì Trân, Tam Lân, Tứ Quốc” đối với tôi, ngoài ý nghĩa là một sự đánh giá của cử tri, còn là một sự nhắc nhở rằng cử tri luôn theo dõi hoạt động của các vị đại biểu mà họ đã gửi gắm niềm tin. Cám ơn câu nói vì nó đã thúc giục tôi luôn phải vượt lên chính mình.

Tôi có ấn tượng rất tốt về những bước tiến trong hoạt động của Quốc hội các khóa tiếp sau Khóa XI, đặc biệt là Khóa XIV. Tôi mong và tin rằng Khóa XV sẽ tiến xa hơn những gì Quốc hội các khóa trước đã làm.

Gửi gắm và mong ước

Tình hình đất nước và thế giới, cũng như định hướng phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ.

Nếu ba nhiệm vụ cơ bản của Quốc hội vẫn bao nhiêu câu chữ, không thay đổi, thì việc triển khai của Quốc hội trong thời gian tới là rất phức tạp và nặng nề, quan trọng và càng cuốn hút hơn.

Tất cả các vấn đề mà Quốc hội phải quyết định, không ít thì nhiều, sẽ mang tính hệ thống ngày càng cao, (liên kết cần thiết giữa kinh tế, xã hội, môi trường để phát triển bền vững; quan hệ quốc gia, vùng và toàn cầu; phát triển, an ninh và quốc phòng; thời cơ và thách thức đan xen), rất biến động, chứa đựng nhiều yếu tố bất định (biến đổi khí hậu, nguồn nước đến từ thượng nguồn ngoài lãnh thổ quốc gia, hệ quả chưa lường hết của đại dịch Covid 19…).

Trong bối cảnh đó, cân nhắc đắn đo nhiều chiều, huy động trí tuệ của Quốc hội để trong mỗi quyết định mà Quốc hội thông qua cái Được phải cao nhất có thể, cái giá phải trả thấp nhất có thể, để tiềm lực và vị thế của Đất nước ngày càng được nâng cao, mở đường cho bước phát triển tiếp theo, là cực kỳ quan trọng.

Gửi gắm và mong đợi của tôi là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ không ngừng phấn đấu để ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mới đang chờ đợi.


[1] Những đoạn in nghiêng với chữ đầu viết hoa là tựa các bài viết đã đăng, có thể truy cập trên mạng. 

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân