Tản mạn

Suy tư mùa dịch

- Thứ Năm, 22/07/2021, 06:17 - Chia sẻ
Những ngày này, ngồi im lặng, đọc và quan sát, đôi khi cũng rút ra được nhiều điều hay, làm bài học cho mình...

         Hơn 10 ngày nay, từ khi cả Sài Gòn thực hiện Chỉ thị 16, tôi hầu như không ra khỏi nhà, trừ khi phải xuống lấy rau, thực phẩm bạn bè gửi tặng hay qua siêu thị mua ít đồ. Cửa chính im ỉm đóng. May còn có cái ban công đón gió trời, ngắm sông để nhìn ra bên ngoài. Khúc sông Sài Gòn phía trước phẳng lặng như tờ, chỉ có duy nhất một chiếc tàu lớn chở hàng và gần hơn là bãi cỏ xanh ngắt ở ngay khu đất vàng sát bờ sông không hiểu sao nhiều năm nay bỏ hoang, không có công ty hay tập đoàn nào xây dựng. Nhưng cũng nhờ thế mà cái view của tôi xanh thêm được một chút. 

        Ngắm khung cảnh thanh bình ấy, mấy ai mà tin ai được thành phố hơn 10 triệu dân này đang phải chịu đựng những cơn sóng dữ dội của dịch bệnh, đánh tan bao dự định của hàng triệu người, vùi dập bao phận nghèo. Dịch bệnh cũng khiến Sài Gòn, một thành phố vốn kiêu hãnh và tràn đầy sức sống trở nên phiền muộn. Và có lẽ cũng chưa bao giờ, thành phố đầu tàu kinh tế có lúc lại phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm như thời bao cấp. 

         Dịch bệnh kéo dài gần hai năm khiến Sài Gòn không biết bao lần rơi vào những cơn hỗn loạn và lao đao. Còn trong cơn bão lớn lần này (hy vọng là cuối cùng), Sài Gòn dính đòn quá nặng và phải chịu những tổn thất quá nặng nề về kinh tế và đời sống. Khủng hoảng diễn ra khắp nơi, tin tức tiêu cực ngập tràn và những con số dịch bệnh tăng chóng mặt, dường như không ai là không bị tổn thương hay căng thẳng trong trận dịch bệnh điên rồ này. 

          Những ngày này, những lời động viên hay kêu gọi mọi người lạc quan lên đôi khi trở nên vô nghĩa trước những nỗi đau hay mất mát mà nhiều gia đình, nhiều người phải gánh chịu khi họ mất đi người thân, mất đi kế sinh nhai cuối cùng trong vòng vây của dịch bệnh. Những lúc như thế này, ngôn từ đôi khi trở nên sáo rỗng, như câu thoại trong kiệt tác "Mirror" của đạo diễn Andrei Tarkovsky: "Ngôn từ không thể nói hết được cảm xúc của chúng ta. Ngôn từ yếu đuối".

         Những ngày này, ngồi im lặng, đọc và quan sát, đôi khi cũng rút ra được nhiều điều hay, làm bài học cho mình. 

          Trong dự án “Suy tư cho thời hậu Corona” do viện Goethe tổ chức với câu hỏi: “Đại dịch này có ý nghĩa gì đối với mỗi người trong chúng ta, và đối với xã hội?”, nhiều trí thức và nghệ sĩ đã đưa ra những góc nhìn sâu sắc trước đại dịch lần này. Trong số đó, tôi đồng cảm với phần trả lời của Michael Zichy, triết gia người Áo. 

          Khi được hỏi hy vọng của ông dựa vào đâu (về những điều tích cực sau đại dịch), Michael Zichy đã nói rằng: "Nhân loại đã thực sự trở nên thông thái hơn, khi bước ra khỏi một số cuộc khủng hoảng. Nó là một kinh nghiệm tập thể ở quy mô toàn cầu về một mối đe dọa chung, từ đó sinh ra một ý thức thuộc về lẫn nhau, kiến tạo sự thấu cảm và thúc đẩy tình đoàn kết.

         Cuộc khủng hoảng này có sức hủy diệt, phá tan mọi lề thói quen thuộc, vô hiệu hóa các hình mẫu tư duy theo lệ cổ, và đòi hỏi một định hướng mới trong tư duy và hành động. Điều đó tăng cường tính linh hoạt về tinh thần và khả năng thích ứng.

           Một lúc nào đó cuộc khủng hoảng sẽ bị khuất phục, thực tế ấy đem lại cho ta cảm giác đã cùng nhau đạt được mục đích, cảm xúc đó có thể lôi chúng ta ra khỏi tình trạng thụ động và động viên ta hãy cùng nhau tiến đến nhiều thử thách lớn hơn".

           Không biết nói gì hơn lúc này. Chúng ta đành phải ngồi chờ cuộc khủng hoảng này bị khuất phục thôi.

Bảo Khánh