Theo đó, ngân hàng báo lỗ 4,64 tỷ đồng trong quý 4.2023 trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 118 tỷ đồng. Theo đó, năm 2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 355 tỷ, giảm 30% so với năm 2022.
Dữ liệu tài chính quý cho thấy, nguyên nhân kết quả kinh doanh kém khả quan là do PGBank bị lỗ ở nhiều hoạt động phi tín dụng, trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh. Cụ thể, hoạt động dịch vụ báo lỗ 10,3 tỷ đồng trong quý 4.2023, trái ngược với cùng kỳ có lãi 26 tỷ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng bị lỗ 4 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm, trong khi cùng kỳ có lãi 17 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 75% lên 91 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ trong quý 4.2023, PGBank cho biết, chủ yếu do ngân hàng giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương chung trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank chỉ tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, PGBank chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm cho chi phí hoạt động dịch vụ tăng (theo ghi nhận, ngân hàng đã chi hơn 28 tỷ đồng phí hoa hồng, môi giới trong năm 2023, trong khi năm trước chỉ hơn 4 tỷ đồng).
Tại ngày 31.12.2023, tổng tài sản PGBank ghi nhận mức 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng 14,3%, đạt 35.730 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 21,6% lên 35.335 tỷ đồng.
Nợ xấu tại PGBank cũng có xu hướng tăng, ở mức 905 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 21,6% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng giữ nguyên ở mức 2,56%.
PGBank là ngân hàng có nhiều biến động trong năm qua. Sau khi Petrolimex thoái vốn, Ngân hàng đã đổi tên từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank).