Sương tháng Tư
Triển lãm ảnh cá nhân của nhiếp ảnh gia nổi tiếng đến từ Đà Lạt Phước “khùng” (Nguyễn Văn Phước) đang diễn ra tại Hà Nội, trưng bày 99 ảnh nghệ thuật có chủ đề Sương tháng Tư, thể hiện tình yêu thiên nhiên, trân trọng sự sống dù là nhỏ nhoi của người nghệ sỹ.

Triển lãm ảnh Sương tháng Tư của Phước “khùng” không có lời giới thiệu. Tất cả là ảnh sương, không đặt tên và lời chú thích. Theo cách nói của anh thì đó là “Vô ngôn”. “Đất mẹ Đà Lạt đã nuôi mình trong đau khổ, trong buồn vui để mình thành con người như ngày hôm nay. Mình muốn đem tất cả những nét đẹp mình chụp được (theo chủ quan của mình) giới thiệu với mọi người và mong rằng nét đẹp của thiên nhiên sẽ làm cho tâm hồn mọi người được bình an. Sự bình an sẽ lan tỏa khắp mọi người trong xã hội và chúng ta sẽ sống đàng hoàng với nhau và yêu thương nhau thật sự”. Phước “khùng” thường nói với bạn bè: “Mình là tín đồ của tình yêu và vẻ đẹp. Tình yêu sinh ra mọi thứ trên đời, vẻ đẹp là cứu rỗi mọi cái đang bị tha hóa”. Anh tự coi mình là đứa con nít, mà cái gì trong mắt con nít cũng đều đẹp. Chính vì thế, anh thu vào ống kính của mình bất kể cái gì trong thiên nhiên Đà Lạt anh thấy đẹp.

“Sương” là chủ đề gần như xuyên suốt trong nghiệp chụp ảnh của Phước “khùng”. Anh chụp ảnh sương nhiều bởi anh nhìn thấy sự mỏng manh, dễ vỡ của sương, nhưng trong cái sự mỏng manh, dễ vỡ đó lại chứa đựng cả vũ trụ bao la. Những bức ảnh sương của Phước “khùng” được trưng bày tại triển lãm này thực sự làm người xem ngạc nhiên. Bình thường, ít ai để ý đến những giọt sương đọng lại trên lá cây, ngọn cỏ. Thế nhưng, dưới ống kính của Phước “khùng”, những hạt sương bé tí ti, bé đến nỗi phải dùng lúp mới thấy, lại hiện lên lung linh như những viên kim cương. Mỗi giọt sương là một thế giới thu nhỏ, chứa đựng trong đó sự sống của vạn vật tự nhiên: đôi mắt con cào cào, đôi chân con ong, con nhện đang ăn mồi...

Phước “khùng” có thói quen sáng nào cũng dậy thật sớm để đi chụp ảnh sương. Anh thường chụp ảnh sương theo kiểu tập kích. Với một thảm cỏ bên bờ hồ sông Hương có diện tích 10m x 20m, anh nằm bò dưới đất và chụp từ từ tiến vào cho đến khi hết đám cỏ đó là đi về. Với Phước “khùng”, mỗi ngày anh lại thấy một cái đẹp thiên việt. Cùng trên một thảm cỏ đó, sớm mai ra anh lại nhìn thấy cái đẹp khác và mang màu sắc khác ngày hôm nay. Phim chụp ảnh xong, Phước “khùng” thường để trong các thùng đựng đạn, chất đống trong nhà. Phước “khùng” không thể nhớ hết mình đã chụp bao nhiêu cuộn phim về ảnh sương. Những ai thích ảnh Phước “khùng” chụp, anh sẵn sàng tặng luôn. Anh cho rằng: “Mình có tặng gì đâu. Mình chỉ phơi bày những nét đẹp của thiên nhiên Đà Lạt cho đời sống này đó chứ!”.
Thùy Dương