Khoa học - Công nghệ

Sức sống mới từ mô hình thôn thông minh Xuân Dương 2

Thái Minh 03/07/2025 14:52

Bằng sự vào cuộc của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, thôn Xuân Dương 2, Yên Khánh, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trong xây dựng mô hình thôn thông minh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Từ chủ trương đến hiện thực hóa

Hơn 2 năm trước, bám sát Quyết định 897/QĐ-UBND năm 2022 hướng dẫn xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thôn Xuân Dương 2, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (nay là xã Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã tiên phong triển khai thí điểm xây dựng mô hình thôn thông minh.

Với quan điểm người dân là chủ thể, động lực và mục tiêu của chuyển đổi số, tháng 11/2023, hội nghị tập huấn kỹ năng số trong chính quyền số và công nghệ thông tin đã được tổ chức với sự tham gia của cán bộ, đảng viên và đại diện người dân trong thôn. Từ đây, bà con chung tay xây dựng thôn theo cách mới, bắt đầu từ những hành động nhỏ.

4(3).jpg
Hội nghị tập huấn kỹ năng về kỹ năng số trong chính quyền số và công nghệ thông tin của thôn Xuân Dương 2. Ảnh: ĐVL

Ông Đinh Văn Linh, Bí thư chi bộ thôn Xuân Dương 2 nhớ lại thời điểm bấy giờ, muốn thông báo chương trình họp, tổ chức hoạt động văn nghệ, hoạt động quyên góp, vệ sinh đường sá… hay bất cứ việc lớn nhỏ nào, cán bộ thôn phải sử dụng loa truyền thanh phát từ nhà văn hóa hoặc in giấy mời gửi đến các chủ hộ hay đến từng nhà người dân để thông báo, rất mất thời gian và công sức. Khi bắt đầu xây dựng thôn thông minh, công nghệ số được ứng dụng trong các hoạt động. Các hội nhóm được thành lập trên mạng xã hội facebook, zalo… mời bà con trong thôn tham gia.

“Nhân dân tích cực tham gia các nhóm này bởi nhờ vậy có thể nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, tiện lợi. Một số bà con đang sử dụng điện thoại 2G vốn chỉ có thể nghe gọi, nhắn tin cũng chuyển sang điện thoại thông minh 3G, 4G, lập tài khoản cá nhân để tiện nắm bắt thông tin của đoàn thể…”, ông Đinh Văn Linh kể.

1(6).jpg
Ông Đinh Văn Linh, Bí thư chi bộ thôn Xuân Dương 2, thông báo về hoạt động của thôn trên nhóm zalo. Ảnh: Thái Minh

Không giấu được phấn khởi, ông Đinh Văn Bẩy, Trưởng thôn Xuân Dương 2 cho biết, từ ngày thực hiện chuyển đổi số và mô hình thôn thông minh, việc triển khai các công việc của thôn xóm thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều.

“Ngày trước tôi phải túc trực thường xuyên tại Nhà văn hóa để phòng xử lý các thông báo đột xuất, nhất là trực hệ thống loa truyền thanh... Từ ngày dùng điện thoại thông minh, dù ở bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể giải quyết công việc. Bà con được thông tin đầy đủ, kịp thời nên mọi việc đều suôn sẻ”, ông Đinh Văn Bẩy nói.

2(7).jpg
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, thông báo về hoạt động trong thôn được truyền đi nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Thái Minh

Cùng với việc xây dựng mô hình thôn thông minh, hoạt động của bà con trong thôn cũng ngày càng tiện lợi, nhất là trong mua bán, trao đổi hàng hóa. Hầu hết cửa hàng tạp hóa đều có mã QR dưới nhiều hình thức VNPay, ZaloPay, Momo… đáp ứng đa dạng nhu cầu thanh toán điện tử. Kể cả người buôn bán ở chợ, dù là rau quả vườn nhà, cũng luôn sẵn tài khoản ngân hàng, điện thoại kết nối internet để phục vụ khách hàng, thay vì bắt buộc dùng tiền mặt như trước.

Để mô hình thực sự đi vào chiều sâu

Đến nay, thôn thông minh Xuân Dương 2 đã trở thành điểm sáng để lan tỏa mô hình đến các thôn khác. Theo ông Đinh Văn Linh, có được thành quả như vậy phần lớn nhờ vào sự đồng lòng của toàn thể cán bộ và bà con trong thôn. Trong đó, đội ngũ cán bộ thôn, đặc biệt trong cấp ủy đa phần là người trẻ, nhiệt huyết và có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh.

3(5).jpg
Hầu hết cửa hàng tạp hóa của thôn đều có mã QR dưới nhiều hình thức VNPay, ZaloPay, Momo… đáp ứng đa dạng nhu cầu thanh toán điện tử của bà con. Ảnh: Thái Minh

“Phần lớn bà con trong thôn là cán bộ hưu trí, giáo viên, công chức, viên chức, do đó có nhận thức tốt và dễ dàng tiếp cận công nghệ. Địa bàn thôn không quá rộng, quy mô dân số vừa phải (gần 300 hộ với hơn 800 khẩu) thuận lợi cho việc quản lý và triển khai thông tin… Các hộ gia đình đều rất chủ động tiếp cận, trang bị thiết bị công nghệ để phục vụ công việc, con em học hành… Đây là những thuận lợi, cơ sở quan trọng để thôn nhanh chóng xây dựng được mô hình thôn thông minh”, ông Đinh Văn Linh đánh giá.

Tuy nhiên, trên thực tế việc nâng cao hiệu quả mô hình thôn thông minh ở Xuân Dương 2 vẫn còn thách thức, nhất là sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và nguồn vốn đầu tư, duy trì nền tảng đáp ứng việc thực hiện mô hình này…

Ông Đinh Văn Linh chia sẻ, khi bắt đầu xây dựng mô hình thôn thông minh, Nhà văn hóa thôn được trang bị hệ thống wifi miễn phí để phục vụ Nhân dân truy cập dễ dàng làm các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, gói wifi phụ thuộc nguồn tài trợ của đơn vị cung ứng nên chỉ miễn phí trong thời hạn nhất định, bất cập khi thôn không có kinh phí để duy trì. Việc trang bị bộ máy tính đặt tại nhà văn hóa thôn để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin đa dạng, lưu trữ dữ liệu… cũng chưa thực hiện được do chưa có nguồn đầu tư.

“Nguyện vọng lớn nhất của bà con trong thôn hiện nay là được các cấp quan tâm, hỗ trợ khắc phục những khó khăn về hạ tầng công nghệ, để mô hình thôn thông minh Xuân Dương 2 thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả lâu dài”, ông Đinh Văn Linh bày tỏ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sức sống mới từ mô hình thôn thông minh Xuân Dương 2
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO