Sức sống của di sản chữ viết người Dao

Thảo Nguyên 25/04/2023 10:02

Người Dao ở Lào Cai là một trong số ít dân tộc có chữ viết và nhiều người sử dụng thường xuyên cho đến nay. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chữ Nôm Dao đang được chính quyền và đồng bào quan tâm.

Duy trì các lớp dạy chữ trong cộng đồng

Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, có 25 nhóm ngành dân tộc khác nhau, như Mông, Dao, Tày, Giáy, La Chí, Phù Lá, Hà Nhì... cư trú tập trung ở các thôn/bản thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong 25 nhóm ngành dân tộc, chỉ các dân tộc Dao, Tày, Giáy và Thái có chữ viết, một thành tựu minh chứng cho nền văn minh của con người và dân tộc. Và hiện nay chỉ duy nhất dân tộc Dao (gồm cả 3 nhóm ngành Dao đỏ, Dao tuyển và Dao họ) tại Lào Cai còn nhiều người sử dụng thường xuyên chữ Nôm Dao.

Tại Lào Cai còn có nhiều người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao - Ảnh: baodantoc.vn
Tại Lào Cai còn có nhiều người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao. Ảnh: baodantoc.vn

Chữ viết không thể thiếu trong đời sống của người Dao thông qua việc viết thư thăm hỏi, tìm người thân, ghi chép lục bản mệnh của con người khi sinh ra, viết thư hẹn hội hát giao duyên đầu xuân... Chữ viết của người Dao ra đời còn do nhu cầu từ chính bản thân mỗi người mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và tri thức dân gian được đúc kết qua nhiều thế hệ đều được thể hiện bằng sách, như sách răn dạy đạo đức, sách hát, sách thơ ca, sách dạy thêu hoa văn, sách xem ngày xấu, tốt... Đến nay, thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai cho thấy, tại 466 làng người Dao trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ hơn 11.000 quyển sách với nhiều nội dung phong phú.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tú, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, phong tục của người Dao tỉnh Lào Cai, các thầy cúng, thầy giỏi chữ Nôm Dao đều tự mở lớp vào ngày mùng 2 Tết âm lịch để dạy chữ cho con cháu trong gia đình, dòng họ và người có nhu cầu học. Đây là phong tục đẹp của cộng đồng người Dao, đầu năm dạy chữ, dạy điều hay, lẽ phải cho thế hệ trẻ hiểu và vận dụng trong cuộc sống. Cho đến nay, phong tục này vẫn được duy trì ở các thôn bản của người Dao và có các lớp dạy viết chữ do thầy cúng, thầy giỏi chữ truyền dạy cho mọi người.

Phong tục và tập quán của người Dao từ xưa cho đến nay yêu cầu đối với mỗi chàng trai là phải biết viết chữ và đọc được sách cổ mới có thể tham gia nghi lễ cấp sắc. Chính vì vậy, người Dao rất quan tâm đến việc mở lớp dạy học chữ và viết chữ Nôm Dao. Những người đã được cấp sắc và có xu hướng làm thầy cúng trong tương lai thì nhất định phải biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình.

Có thể nói hiện nay số lượng người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao trong các thôn bản người Dao tương đối lớn, sức sống của di sản chữ viết người Dao được đánh giá cao trong việc duy trì thực hành và bảo vệ di sản trong cộng đồng.

Trước đây, người Dao chỉ truyền và dạy chữ cho con trai, con gái không được học, nhưng ngày nay, phong tục này đã thay đổi, mở rộng đối tượng học là nữ và đối với nam giới cũng không giới hạn độ tuổi học chữ.

Chữ viết người Dao hiện sử dụng phổ biến trong các nghi lễ cúng, hôn nhân, làm nhà mới, đám tang, tết nhảy và độc đáo hơn cả là lễ cấp sắc. 

Bảo vệ và khai thác hiệu quả

Để bảo tồn và phát huy bền vững di sản chữ viết và sách cổ của người Dao, không có hình thức nào hữu hiệu hơn là mở lớp dạy chữ Nôm Dao ngay tại cộng đồng do chính người thầy trong cộng đồng giảng dạy. Bởi vậy, bên cạnh những lớp truyền dạy do người dân tự mở, thời gian qua, một số lớp do Nhà nước hỗ trợ đã được triển khai. Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai mở được 5 lớp chữ Nôm của người Dao tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (người Dao đỏ); xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng (người Dao tuyển); xã Tân An, huyện Văn Bàn (người Dao họ); xã Long Phúc, huyện Bảo Yên. Sở cũng đã quan tâm, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho những người có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Dao. Thông qua đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, công tác bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, di sản chữ Nôm Dao trong cộng đồng luôn được đề cao và coi trọng.

Các lớp truyền dạy chữ viết trong cộng đồng được duy trì tổ chức - Ảnh: baodantoc.vn
Các lớp truyền dạy chữ viết trong cộng đồng được duy trì tổ chức. Ảnh: baodantoc.vn

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tú, thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai tham mưu xây dựng kế hoạch, đề án tổng thể bảo vệ và phát huy di sản chữ Nôm Dao trên địa bàn tỉnh.

Di sản chữ viết người Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012. Để di sản tiếp tục phát huy sức sống trong cộng đồng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần ban hành kế hoạch dài hạn của tỉnh để duy trì hiệu quả các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ việc trao truyền, mở lớp dạy chữ Nôm Dao trong cộng đồng (hỗ trợ về bảng, phấn, giấy, mực, sách vở, đồ dùng học tập...); tiếp tục nghiên cứu, biên dịch và xuất sách cổ của người Dao; thực hiện nội dung số hóa di sản chữ Nôm Dao…

Đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch, dự án bảo vệ và khai thác hiệu quả di sản văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh; trong đó, bảo tồn gián tiếp chữ viết người Dao gắn với phát triển du lịch (qua việc bảo tồn dân ca, gìn giữ các phong tục tập quán gắn với lễ cưới, lễ tết đặc sắc của đồng bào); phát triển du lịch cộng đồng bền vững, trên cơ sở theo đuổi mục tiêu bảo vệ di sản và đem lại nguồn lợi cho người dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sức sống của di sản chữ viết người Dao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO