"Thảm đỏ có hấp lực kinh khủng"
Trên thế giới có khoảng 10.000 liên hoan phim. Trong đó, những liên hoan phim như Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Venice (Italy), Sundance (Mỹ)… thu hút sự chú ý toàn cầu với đa dạng tác phẩm điện ảnh và sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Mỗi liên hoan phim có nét riêng về phong cách và giải thưởng, tạo nên bức tranh nhiều sắc màu về điện ảnh thế giới, đóng góp vào sự phát triển và thịnh hành của ngành công nghiệp điện ảnh quốc tế.
Về quá trình thực hiện và câu chuyện hậu trường của các liên hoan phim quốc tế, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, người có hơn 20 năm dõi theo các liên hoan phim hạng A trên thế giới, từng chia sẻ, trong số hàng nghìn liên hoan phim, anh thường quan tâm tới những liên hoan uy tín lâu đời, lớn nhất thế giới như Cannes, Venice, Berlinale, Toronto; hay Sundance dành cho các bộ phim độc lập - ngày càng quan trọng với những tài năng mới. Ngoài ra, có các liên hoan dành cho các dòng phim riêng như phim tài liệu, phim kỳ ảo, phim cho người lớn tuổi, phim về người đồng tính…
“Một lần tôi đến Venice du lịch, nơi đây vắng lặng sau mùa liên hoan phim. Nhưng vào mùa thu, nơi đây nhộn nhịp với liên hoan phim lâu đời nhất thế giới - nơi tìm ra những bộ phim sau đó thường tiệm cận giải Oscar. Hay đến Liên hoan phim Cannes, ngoài một số người được mời, để có thể xem phim, công chúng phải đăng ký vé với giá hơn 10 euro và chật vật mới có được vé…” - nhà phê bình Lê Hồng Lâm kể.
Từng có 2 phim vào vòng tranh giải các liên hoan phim hàng đầu thế giới, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, các liên hoan phim hạng A hàng năm thường có số lượng tác phẩm gửi về lớn hơn rất nhiều so với số lượng phim được lựa chọn. Mọi người cũng sẽ gặp ở đó những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện ảnh có tác phẩm tranh giải, hoặc được mời đến. Ngôi sao không chỉ gồm diễn viên, mà còn là đạo diễn, nhà sản xuất, nhạc sĩ…
Nữ đạo diễn từng trải nghiệm và cảm nhận được “sức nóng” của liên hoan nổi tiếng thế giới. “Năm 2010 tôi đến Cannes lần đầu tiên và quay lại Cannes 2 lần nữa. Thảm đỏ có hấp lực kinh khủng. Đi vào thảm đỏ, nữ phải mặc đồ dạ hội, đi giày cao gót, nam thì phải mặc vest và thắt nơ. Ở bên ngoài, nhiều người trẻ giơ bảng xin vé tham dự liên hoan”.
Những câu chuyện hậu trường
Ngoài sự lộng lẫy của thảm đỏ và bí quyết để thu hút của tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, liên hoan phim còn vô vàn câu chuyện từ phía người tổ chức. Giám đốc Liên hoan phim châu Á tại Rome Antonio Termenini cho biết, tại Italy có khoảng 300 liên hoan phim, nếu tính cả liên hoan phim nhỏ, liên hoan phim ngắn thì con số này có thể lên đến 500. Italy có Liên hoan phim Venice lâu đời và là một trung tâm điện ảnh.
Các liên hoan phim không chỉ là sự kiện điện ảnh, mà còn là dịp quảng bá, thu hút khách du lịch. Đặc biệt, liên hoan phim nở rộ tại Italy từ những năm 1980, khi các thành phố tập trung đầu tư vào văn hóa để xây dựng, quảng bá thương hiệu.
Liên hoan phim châu Á tại Rome ra đời năm 2000 với mong muốn tạo cơ hội đối thoại, kết nối với nhà làm phim châu Á, kéo gần khoảng cách Á - Âu. Tuy nhiên, theo ông Antonio Termenini, không chỉ tập trung vào nghệ thuật, ban tổ chức còn phải suy tính về tài chính, ý tưởng xây dựng bản sắc... Bởi nếu không có tài chính, có những điều liên hoan không thể làm được, như mời khách tên tuổi. Thậm chí, không đủ kinh phí hoạt động, có liên hoan phim chỉ tổ chức được 1- 2 năm rồi tự dừng hoặc ngắt quãng một thời gian. Còn nếu không tạo được màu sắc riêng, liên hoan phim sẽ trở nên mờ nhạt trong vô số ngày hội khác của điện ảnh.
Với số lượng lớn liên hoan phim như vậy, để tạo danh tiếng, theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, các liên hoan phim cũng phải cạnh tranh nhau về phim dự thi. Chẳng hạn, cũng tập trung vào phim châu Á như Cannes hay Venice, nhưng Liên hoan phim châu Á tại Rome hay Liên hoan phim quốc tế Viễn Đông Udine lại chọn theo tiêu chí riêng. Chẳng hạn, Udine từng tuyển phim “One cut of the death”, do đoàn phim nghiệp dư tại Nhật Bản làm với kinh phí 25.000 USD. Ban đầu, phim không thu hút được nhiều khán giả trong nước, nhưng khi ra mắt quốc tế và đoạt giải tại Udine, phim đã nhận được lời mời đến gần 60 liên hoan phim khác và gặt hái nhiều giải thưởng lớn nhỏ, trở thành hiện tượng khi doanh thu sau đó gấp 3.000 lần so với kinh phí làm phim. Điều này cũng làm cho Udine trở nên nổi tiếng…
Ngoài chọn phim, khâu tổ chức, mời ngôi sao, chuẩn bị cơ sở vật chất, thu hút khán giả... cũng là những chuyện lớn với một liên hoan phim. Ông Antonio Termenini cho rằng, liên hoan phim cần lo mời ngôi sao, chỗ ăn ở, đi lại của nghệ sĩ, sắp xếp lịch thuận tiện nhất cho người tham dự, nếu không sẽ để lại ấn tượng xấu, nhất là với những liên hoan còn non trẻ. Khán giả cũng là yếu tố quan trọng, liên hoan không thể thành công nếu các buổi chiếu thưa vắng người xem…
Những "bữa tiệc" điện ảnh như vậy được coi là cơ hội để thúc đẩy công nghiệp làm phim và du lịch. Có những người thường xuyên đặt vé đến các quốc gia để xem phim và đi du lịch, như một lối sống, trải nghiệm văn hóa của người yêu điện ảnh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chỉ khoảng 1 - 2% liên hoan phim trên thế giới tạo được tác động đáng kể về kinh tế; và không phải địa phương nào cũng hội tụ đủ "thiên thời địa lợi nhân hòa" để tổ chức liên hoan phim thành công.