Lan tỏa tinh thần yêu nước và lạc quan cách mạng
…Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con mẹ ạ, Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này…
Đây là nội dung lá thư của chị Võ Thị Tần, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, gửi mẹ. Từ nhỏ chị Tần đã sớm hình thành lý tưởng cách mạng. Năm 1965 chị nhập ngũ và được biên chế ở C552, P18 tỉnh Hà Tĩnh, thuộc lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ thông suốt các tuyến đường ra mặt trận.
Tháng 4.1967, chị Võ Thị Tần cùng đơn vị nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 15A đoạn trên Ngã ba Đồng Lộc, còn được mệnh danh là “Tọa độ chết” - một trọng điểm chiến lược thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Chị cùng đồng đội đã bám trụ nơi tuyến lửa ác liệt này gần 200 ngày đêm để đào đường, sửa đường, tháo gỡ bom nổ chậm bảo đảm thông xe an toàn.
Trong những ngày gian khổ đó, tinh thần xả thân quên mình “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã được thể hiện rất rõ trong bức thư cuối cùng chị gửi mẹ. Bức thư tràn đầy tinh thần yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm sắt đá đánh kẻ thù và tinh thần lạc quan cách mạng.
Nhà văn Đặng Vương Hưng, người từng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu hàng trăm lá thư thời chiến, cho biết, cùng lá thư của chị Tần còn nhiều lá thư khác, như lá thư duy nhất nữ tướng Nguyễn Thị Định viết gửi con trai là Nguyễn Ngọc Minh (tức On) tháng 7.1959; thư của bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - gửi cháu nội, sau khi biết tin con trai mình đã hy sinh ngoài mặt trận, với những lời đầy yêu thương...
Tất cả niềm thương, nỗi nhớ, những điều cần dặn dò, tâm sự… đều được gửi qua phong bì và con tem. Phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mới đến được tay người nhận. Những lá thư ấy giờ đây không chỉ trở thành di sản, mà còn là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ phụ nữ ưu tú và tiêu biểu của dân tộc ta dành cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Hiểu hơn tâm tư, tình cảm người lính
Cũng theo nhà văn Đặng Vương Hưng, đọc những lá thư của bà Nguyễn Thị Ngọc Toản gửi chồng là Trung tướng Cao Văn Khánh trong kháng chiến chống Pháp, người đọc hiểu thêm nhiều chi tiết về đời sống các gia đình bộ đội và tâm tư, tình cảm của họ. Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần, vượt qua khó khăn, gian khổ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Đặc biệt, có những lá thư được gửi từ chiến trường này qua chiến trường khác, của người lính gửi cho nhau với những trang viết riêng tư, đời thường nhưng vô cùng chân thực, xúc động. Như lời tâm sự “Trái tim em đã gửi vào anh đó”của chị Trần Thị Vân, sinh năm 1947 tại Quảng Trị, là y tá Ban Cán sự miền Tây, đóng quân tại huyện Hướng Hóa, gửi người yêu là anh Đặng Ngọc Thọ, công tác tại Đồn An ninh biên phòng cảng Cửa Việt, được anh ghi lại trong nhật ký. Hai người quen nhau khi anh bị sốt rét còn chị là y tá. Thấy chị hay buồn khóc khi nghĩ về những mất mát của gia đình nên anh rất thương, luôn an ủi, động viên chị.
Từ thương chuyển sang yêu lúc nào không biết, anh dự định khi đất nước hòa bình sẽ ngỏ lời với chị. Ta hẹn này súng kia ngừng bắn/ Hòa bình trở lại non sông/ Anh cùng em ta cất bài ca. Chị Vân hiểu tình cảm chân thành của anh cùng sự động viên của cấp trên nên đã nhận lời yêu thương. Bức thư chị trả lời có đoạn: Anh có hiểu cho em lúc này không, em tin chắc anh hiểu và hiểu nhiều lắm thì phải. Em cũng hiểu lắm trong những lúc này có mối tình nồng thắm sắc để động viên nhau, tất nhiên tình đồng đội, đồng chí, ngoài ra có mối tình chung thủy để ấp ủ nhau trong lòng, có những nỗi buồn của nhau đều biết và thông cảm cho nhau, có phải thế không anh nhỉ?...
"Hầu hết tác giả của các lá thư đến nay đã không còn, song từng cánh thư tay với những dòng chữ viết vội trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ", nhà văn Đặng Vương Hưng khẳng định.
Chính những trang thư, nhật ký, ghi chép tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến những thông tin và tư liệu quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn...