Hướng đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Sức mạnh dân tộc, lợi thế cạnh tranh

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:08 - Chia sẻ
Trao đổi trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục PHAN THANH BÌNH cho rằng, giờ đây, mọi chính sách về phát triển kinh tế, các dự án phát triển phải tính đến tác động lâu dài đối với văn hóa, đời sống văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. “Có thể có mặt sẽ làm chậm lại phát triển trước mắt của kinh tế, nhưng chúng ta sẽ giàu hơn rất nhiều về mặt văn hóa trong tương lai. Đó mới là sức mạnh của mỗi dân tộc, là lợi thế cạnh tranh của một đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa này”.

“Đối với việc gìn giữ các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nếu bây giờ vì những tính toán lời lỗ, thì tương lai sẽ tính lại sự giàu nghèo trong văn hóa với chúng ta. Và chúng ta sẽ phải trả giá với quá khứ, với dân tộc trong một thế giới ngày càng phẳng nhưng vô cùng đa dạng văn hóa trong tương lai. Kinh tế có thể phát triển qua vài kế hoạch 5 năm, nhưng văn hóa là cả một truyền thống dân tộc mới xây dựng được”.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Thanh Bình

Đánh dấu giai đoạn phát triển mới 

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; và một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, theo ông, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào ngày 24.11 tới có ý nghĩa như thế nào?

- Trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đảng ta luôn coi trọng văn hóa. Từ trước Cách mạng tháng 8.1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), là một tuyên ngôn của Đảng ta về vấn đề văn hóa. Trong Đề cương nêu rõ 3 nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới, đó là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Quan điểm này đến nay vẫn soi rọi cho những hoạt động về văn hóa của chúng ta.

Năm 1946, sau khi giành độc lập, đất nước trong tình thế muôn vàn khó khăn, “thù trong, giặc ngoài”, Đảng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, trọng tâm để khẳng định văn hóa là yêu nước, là giá trị của độc lập, tự cường.

Sau 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đây là dịp để nhìn lại quan điểm, hoạt động văn hóa trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế kể từ 1945 đến nay, chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nhất là trong Nghị quyết đã nhấn mạnh cùng với chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa là một trụ cột, là nền tảng tinh thần của đất nước.

Đất nước ta đang ở thời điểm rất quan trọng, không chỉ là ngưỡng của quá trình phát triển, mà còn bởi văn hóa đang đứng trước những thử thách, trong đó có tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và số hóa, robot hóa. Hiện nay, nếu không tập trung vào văn hóa, chúng ta không chỉ mất đi, làm suy yếu sức mạnh nền tảng tinh thần của dân tộc, mà cũng chưa sẵn sàng chuẩn bị để trở thành những CON NGƯỜI VIỆT NAM như Nghị quyết Đại hội Đảng yêu cầu, đó là những con người Việt Nam đầy đủ giá trị, tình cảm, khát khao phát triển trong một xã hội mà những quan hệ được số hóa, logic hóa và thực tế hóa, trong một thế giới ngày càng phẳng, văn hóa các dân tộc xâm nhập vào nhau một cách mạnh mẽ, tự nhiên.

Nghệ thuật truyền thống sẽ tạo nên khác biệt cho văn hóa của mỗi dân tộc
Nguồn: hdll.vn

Phát triển toàn diện CON NGƯỜI VIỆT NAM

- Vị trí, vai trò của văn hóa đã được nhắc đi nhắc lại trong chiến lược của Đảng qua các thời kỳ. Ông kỳ vọng gì từ những quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển trong lĩnh vực văn hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần này?

- Đảng luôn coi trọng văn hóa. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn hiện nay, văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần cho quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Các giá trị yêu nước, độc lập dân tộc, hành động vì đất nước luôn là những giá trị cốt lõi, định hướng toàn bộ hành động con người Việt Nam chúng ta. Và trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, văn hóa tập trung vào phát triển toàn diện con người. Đây là một quan điểm rất quan trọng. Chúng ta hướng đến mỗi người là một CON NGƯỜI VIỆT NAM, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Với những tính chất truyền thống, yêu người và hiện đại, làm sao phát triển đầy đủ tiềm năng của mỗi người, mỗi người tự tin là chính mình, trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập, lao động, trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng ta sẽ là người Việt Nam giàu có cả về vật chất và tinh thần trong một xã hội văn minh, tự do, trong một thế giới ngày càng hiện đại và gần gũi nhau hơn. Đó là hạnh phúc, cũng là ước mơ mà chúng ta phải xây dựng cho được.

Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng mỗi con người là một con người độc lập, có đầy đủ tình cảm, nhận thức, nhân sinh quan đúng đắn là nhiệm vụ mà trong công tác văn hóa sắp tới phải nghĩ đến và làm một cách nghiêm túc, hiệu quả. Điều này cần đến nhiều yếu tố điều kiện nhưng theo tôi bắt đầu từ nhận thức, quan điểm của lãnh đạo và những người quản lý văn hóa. Cần phải có những nhà quản lý văn hóa thật sự thấm nhuần, hiểu và quan tâm đến văn hóa. Kế đến là đội ngũ làm văn hóa, văn nghệ trực tiếp. Và dĩ nhiên theo đó thì một cơ chế và điều kiện để làm văn hóa như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ra. 

Kinh tế - văn hóa: Quan hệ tương hỗ

- Ông từng nhiều lần nói rằng, kinh tế phải đi cùng văn hóa, hỗ trợ nhau phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra định hướng tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa. Định hướng này có ý nghĩa thế nào để thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ này: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, thưa ông?

- Chúng ta thường nói cụm từ kinh tế - xã hội, lần này trong Nghị quyết Đại hội XIII ghi rất rõ kinh tế - văn hóa - xã hội, khẳng định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm an ninh, quốc phòng là trọng yếu, thường xuyên.

Bác Hồ từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Thế là đủ để khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa. Giờ là lúc chúng ta phải làm. Và câu hỏi đặt ra là phải LÀM GÌ?

Kinh tế phát triển để tạo điều kiện cho phát triển văn hóa. Và đồng thời văn hóa phát triển thì kinh tế sẽ nhận được những giá trị từ văn hóa đem lại. Đời sống tinh thần tăng lên, văn hóa của mỗi người, của cộng đồng sẽ được bồi dưỡng và từ đó, chắc chắn sự sáng tạo, khả năng làm việc và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những tác động tích cực.

Trong quá trình phát triển, có những thời điểm do yêu cầu thực tế, phải chăng chúng ta chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế, chưa suy nghĩ một cách toàn diện những tác động đối với văn hóa, con người. Tư duy này tạo hiệu quả kinh tế trước mắt, nhưng lâu dài, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa, số hóa, chắc chắn chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian và cả vật chất để sửa đổi những hiệu ứng thứ cấp của nó, mà tác động thứ cấp này đôi khi tác động đến hạnh phúc con người, văn hóa cộng đồng. Và có những cái có khi không thể sửa chữa, không tìm lại được.

Giờ đây, ở một điều kiện khác, quan niệm toàn diện hơn, và chính thời đại cũng đòi hỏi, mọi chính sách về phát triển kinh tế, các dự án phát triển phải tính đến tác động lâu dài đối với văn hóa, đời sống văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Có thể có mặt sẽ làm chậm lại phát triển trước mắt của kinh tế, nhưng chúng ta sẽ giàu hơn rất nhiều về mặt văn hóa trong tương lai. Đó mới là sức mạnh của mỗi dân tộc, là lợi thế cạnh tranh của một đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa này.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Minh thực hiện