Sức mạnh dân tộc - hạt nhân chính sách cân bằng quan hệ

Quỳnh Lan - Thanh Chi thực hiện 03/02/2016 10:13

(ĐBND Xuân Bính Thân)- Nếu đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi quốc gia; còn hòa bình, hợp tác và hội nhập quốc tế là xu thế phổ quát trên thế giới, thì chúng ta cần biết cách tổng hợp các nguồn sức mạnh đó, tạo nên vị thế vững chắc cho đất nước. Trong xu thế ấy, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp phải là một nhà ngoại giao, đồng hành với Nhà nước. Đó là nhận định của TS. ĐỖ SƠN HẢI, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam về chính sách ngoại giao cân bằng, đặc biệt là cân bằng nước lớn của Việt Nam.

Có tự chủ mới có cân bằng

- Có học giả đã ví, ngoại giao của nước nhỏ giữa các nước lớn giống như đứng trên chiếc bập bênh, nghiêng quá về bên nào đều sẽ ngã. Điều này có đúng với Việt Nam, thưa ông?

Về mặt lý thuyết, trong quan hệ với nước lớn, chính sách ngoại giao tối ưu nhất của những nước nhỏ là giữ cân bằng quan hệ với tất cả các nước, bởi điều đó giúp nước nhỏ tránh quá lệ thuộc vào một nước cụ thể, đồng thời tránh được những hệ quả do cạnh tranh giữa các nước lớn. Giống như hình ảnh ví von của học giả trên, nếu đứng trên chiếc bập bênh, nghiêng quá về bên nào đều sẽ ngã.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử quan hệ quốc tế, các nước nhỏ luôn gặp khó khăn trong thực thi chính sách này. Lý do là để thực hiện được chính sách ngoại giao cân bằng thì các nước cần phải có nguồn lực và môi trường thuận lợi. Nguồn lực chính là khả năng tự chủ của một quốc gia, các nước phải luôn ý thức về con đường trung lập của mình. Môi trường chính là thời tiết chính trị giữa các nước lớn. Hai cuộc Chiến tranh Thế giới và một cuộc Chiến tranh Lạnh cho thấy, khi thế giới bị chia thành các vùng ảnh hưởng, nước nhỏ sẽ rất khó thực thi chính sách cân bằng.

- Như ông vừa khẳng định, muốn cân bằng được phải có tự chủ. Chúng ta đã thể hiện tính tự chủ đó như thế nào?

- Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, so sánh lực lượng giữa các nước lớn có thể tạm gọi là cân bằng. Vào thời điểm đó, Đại hội VII Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Đây là định hướng là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện định hướng “tự chủ” ngay từ đầu. Bước vào thế kỷ XXI, các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều hội tụ. Thiên thời là môi trường quốc tế trong đó các nước tăng cường liên kết kinh tế, hội nhập khu vực, tạo ra xu thế hòa bình ổn định để phát triển. Địa lợi là vị trí địa lý của chúng ta nằm ở vị trí địa chiến lược. Nhân hòa là chủ trương, đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng ta. Việc thực hiện nhất quán và không ngừng mở rộng, hoàn chỉnh nội hàm của đường lối sáng suốt ấy, đã góp phần quan trọng vào bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng môi trường thuận lợi để phát triển.

Sức mạnh dân tộc và thời đại với nội hàm mới

- Trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra đề nghị với Mỹ về “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”. Cái bắt tay giữa hai cường quốc liệu có là thách thức đối với Việt Nam trong giữ thăng bằng quan hệ?

Ý tưởng này đã được ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Florida, Mỹ, khi ông còn là Phó chủ tịch Trung Quốc năm 2012. Mới đây, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 10.2015, đề xuất này tiếp tục được nhắc lại và nhấn mạnh. Về nội hàm của cụm từ này, Trung Quốc đưa ra rất nhiều nội dung màu mè, văn hoa, nhưng mấu chốt nhất theo tôi là ý “tránh đối đầu”. Nếu “tránh đối đầu” là trọng tâm của “quan hệ nước lớn kiểu mới” như Trung Quốc mong muốn, thì điều này đã, đang không thể thực hiện được. Bằng chứng là sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Mỹ - Trung Quốc trên các lĩnh vực: tài chính, tiền tệ, thương mại, an ninh mạng. Đặc biệt, sau khi Bắc Kinh tôn tạo bãi đá ngầm ở Biển Đông và mới đây nhất, khi Trung Quốc thử nghiệm đường băng trên đảo đá Chữ Thập, việc Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào Biển Đông để tiến hành tuần tra định kỳ hay vụ máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ khi máy bay này tiến gần tới đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp trên Biển Đông đã cho thấy nguy cơ xảy ra va chạm, dù ở cấp độ thấp.

Tuy nhiên, lịch sử và thực tiễn luôn nhắc nhở rằng, mỗi quốc gia đều có lợi ích và tính toán riêng, việc các nước lớn thỏa hiệp trên lưng nước nhỏ không phải chuyện xưa nay chưa có. Nhìn vào vấn đề cụ thể của Việt Nam, nếu Mỹ - Trung bắt tay, khó khăn nhất đối với Việt Nam sẽ liên quan đến vấn đề Biển Đông. Điều duy nhất mà Mỹ quan tâm và có thể can dự là tự do, an ninh, an toàn của các tuyến hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là “an toàn” với ai? Chắc chắn ở đây là an toàn với Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc có lá bài để mặc cả với Mỹ, thì có thể Mỹ sẽ cân nhắc lại khái niệm “an toàn” của Mỹ ở khu vực này. Khi đó, tín hiệu đèn xanh của Mỹ đối với bất kỳ động thái nào của Trung Quốc sẽ là bất lợi rất lớn đối với tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, không riêng gì Việt Nam.

Nguồn: Caglecartoons
Nguồn: Caglecartoons

- Giống như trong quá khứ, năm 1972, việc cả Trung Quốc và Liên Xô có xu hướng hòa hoãn với Mỹ đã khiến ta đứng trước nhiều sức ép. Ta phải làm gì nếu kịch bản trên lặp lại?

Năm 1972, khi cả Trung Quốc và Liên Xô đều đi vào hòa hoãn với Mỹ, ta phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía, nhưng nhờ biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, chúng ta đã khéo léo hóa giải được.

Bài học đó chắc chắn vẫn còn thời sự đến hiện tại. Tuy nhiên, khi áp dụng các bài học lịch sử phải luôn ý thức được nội hàm mới trong những khái niệm cũ. Nói kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì giờ đây phải hiểu rằng cả hai vế ấy đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, hòa bình, hợp tác, hội nhập để phát triển là xu thế không thể đảo ngược. Còn đoàn kết quốc gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Đặt trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, chúng ta có sức mạnh của dân tộc, đó là chủ quyền quốc gia, là tính chính nghĩa, là ý Đảng, lòng dân một lòng nhất trí. Còn sức mạnh thời đại là sự xu thế hội nhập, ràng buộc lẫn nhau bởi kinh tế, thương mại; là sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, trong đó có cả những nước có lợi ích trực tiếp và gián tiếp như Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ...

Mỗi người dân - doanh nghiệp phải là một nhà ngoại giao

- Như ông vừa khẳng định, sức mạnh dân tộc chính là sự đồng thuận xã hội, là sự đồng lòng giữa Nhà nước và người dân. Trong ngoại giao, nhân dân hẳn là có sứ mệnh quan trọng?

Với việc kiên định thực thi chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, cân bằng quan hệ nước lớn, ngoại giao Nhà nước đã làm rất tốt. Nhưng có thể thấy thời gian qua, chúng ta chưa tận dụng triệt để một kênh ngoại giao quan trọng khác là ngoại giao nhân dân. Ở đây, tôi không chỉ muốn đề cập tới các cuộc giao lưu nhân dân, hay các tổ chức hữu nghị... mà tôi muốn nói đến một đối tượng dân chúng “đặc biệt” hơn, đó là các doanh nghiệp. Trong bối cảnh chúng ta tham gia một cách tích cực và chủ động vào quá trình hội nhập quốc tế, có các hoạt động hợp tác kinh tế nhộn nhịp, từ TPP, tới AIIB cùng rất nhiều các FTA song phương khác... thì người đi đầu trong các hoạt động hợp tác này chính là các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đến nước bạn chính là một sứ giả, một nhà ngoại giao. Chúng ta chưa thực sự tận dụng kênh ngoại giao quan trọng này, chưa chú trọng đến nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Khi chúng ta tạo được các sợi dây liên kết giữa cá nhân với cá nhân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, những ràng buộc lợi ích kinh tế sẽ là những đòn bẩy đáng kể. Nhớ lại thời kỳ chiến tranh, chính mối quan hệ giữa người dân Việt Nam với người dân yêu chuộng hòa bình thế giới, chính những phong trào phản chiến ở nước Mỹ đã tạo sức ép buộc Mỹ xuống thang. Giờ đây, khi xu thế hợp tác, hội nhập là chủ đạo, doanh nghiệp chính là những sứ giả đặc biệt, và Nhà nước cần tin tưởng, tạo điều kiện để họ thực hiện sứ mệnh của mình.

 Nhìn vào tình hình của Việt Nam hiện nay, phải thừa nhận rằng, kinh tế của ta từng bước phát triển, an ninh được bảo đảm, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao. Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có quan hệ hợp tác tốt với tất cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

TS. Đỗ Sơn Hải

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sức mạnh dân tộc - hạt nhân chính sách cân bằng quan hệ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO