Sức mạnh của phim tài liệu

- Thứ Năm, 14/10/2021, 07:00 - Chia sẻ
Nhằm xây dựng những thước phim có giá trị, lan tỏa thông điệp bảo vệ tự nhiên, qua đó giới thiệu tới công chúng những nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững tại Việt Nam, dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái 2021 - 2022 sẽ được Viện Goethe khởi động vào cuối tuần này.
	Phim tài liệu sẽ lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên tới công chúng - Nguồn: ccd.org.vn
Phim tài liệu sẽ lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên tới công chúng
Nguồn: ccd.org.vn

Kể chuyện bảo tồn thiên nhiên qua phim

"Tháng 10.2020, chúng tôi vượt gần 1.500km để cứu hộ 7 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại 2 trại gấu tại Bình Dương. 7 cá thể gấu không có tên mà chỉ được phân biệt bởi mã số chip. Không ai biết chúng thực sự bị bắt nhốt như thế nào. Qua một vài lần trao đổi, chúng tôi biết là chúng đã bị nhốt trong những chiếc lồng này trên dưới 10 năm. Chúng tôi đặt tên cho 7 người bạn mới là Lâm, Lá, Sáng, Khế, Xoài, Ổi và Dừa. Dựa vào chuyên môn và kinh nghiệm của mình, chúng tôi biết chắc chắn mỗi cá thể gấu đều có tính cách và nhu cầu riêng. Các bạn cần được có tên. Như phần lớn cá thể gấu từng bị lạm dụng để lấy mật, tất cả 7 bạn đều có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và tâm lý: Sáng bị cụt mất 1 tay, Lâm đã mù lòa, Khế bị suy dinh dưỡng trầm trọng, Ổi bị gai cột sống, Lá cực kì hoảng loạn và hung dữ…” - Đó là một trong những câu chuyện về việc cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) là nơi có giá trị phòng hộ rất cao. Đây là thượng nguồn sông Chu, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cũng như nước tưới tiêu cho vùng nông nghiệp phía Tây và Tây Bắc của Thanh Hóa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khu vực đối mặt nguy cơ một số diện tích rừng tự nhiên tại vùng đệm bị chuyển đổi sang rừng sản xuất, chủ yếu là trồng cây keo, làm mất nơi sinh sống của muôn loài, mất cân bằng sinh thái; suy thoái nguồn nước và gia tăng thiên tai cực đoan. Để giải quyết vấn đề này, năm 2021, CCD đã hỗ trợ Khu bảo tồn đã tiến hành trồng mới và trồng bổ sung 45ha với các loài cây bản địa. Việc này không chỉ giúp khôi phục và duy trì các giá trị hệ sinh thái, tăng tính đa dạng sinh học mà còn giúp cải thiện sinh kế cho người dân thông qua việc tiếp thu các kỹ thuật trồng rừng và có thêm các nguồn thu nhập tăng thêm từ các sản phẩm lâm sản phụ...

Còn rất nhiều câu chuyện về những nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững tại Việt Nam, nhưng ít được mọi người biết tới. Để thúc đẩy truyền thông về vấn đề này, Viện Goethe Hà Nội sẽ khởi động dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái, được triển khai trong năm 2021 - 2022. Đây là dự án hợp tác giữa hai tổ chức xã hội tại Việt Nam là Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt) và các nhà làm phim tài liệu, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Viện Goethe.

Mang đến góc nhìn mới 

Dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái là nỗ lực chung để đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững 15 (tài nguyên và môi trường trên đất liền) và mục tiêu 17 (quan hệ đối tác vì các mục tiêu). Hai tổ chức phi chính phủ tham gia dự án lần này đang tìm kiếm đội ngũ làm phim, mong đợi được kể những câu chuyện và quảng bá cho các hoạt động của mình thông qua phim tài liệu. Các nhà làm phim được khuyến khích sử dụng kiến thức, kỹ năng tốt nhất của mình và tận dụng tài liệu do các tổ chức xã hội cung cấp để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu.

Ban tổ chức mong đợi những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu hoặc các liên hoan phim về môi trường dành cho những hoạt động cộng đồng bền vững được thực hiện ở Việt Nam. Trong năm 2021 - 2022, với sự hợp tác cùng CCD và Four Paws Việt, chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật.

Nhiều năm làm công tác cứu hộ và bảo vệ phúc lợi cho gấu và động vật hoang dã nói chung, chị Nguyễn Lê Thùy Linh, Quản lý truyền thông của Four Paws Việt chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng vô cùng quan trọng trong quá trình xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Ý thức tốt mới dẫn tới hành động tốt. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của nghệ thuật nói chung và phim tài liệu nói riêng trong việc lan tỏa tri thức và thông điệp về bảo vệ phúc lợi động vật. Thông qua kể câu chuyện của mình bằng phim tài liệu, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều khán giả có thể tiếp cận vùng kiến thức tưởng chừng khô khan này và có bước chuyển trong nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã”.

Nói về tầm quan trọng của việc các nhà làm phim tham gia dự án này, ông Tạ Quốc Trường, Quản lý Dự án CCD nhấn mạnh, đối với các tổ chức, các nhà làm phim có thể được xem là “ice-breaker”, mang đến những góc nhìn mới mẻ trong cách kể chuyện cho một sản phẩm phim chung đầy hứa hẹn. “Chúng tôi thường thiên về học thuật hơn trong các lĩnh vực hoạt động của mình, cụ thể là bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các khu vực cảnh quan bị suy thoái. Chúng tôi thiếu các hình thức truyền thông đa dạng và chuyên nghiệp. Vì vậy, đây là cơ hội tốt để đội ngũ truyền thông của CCD học hỏi từ các nhà làm phim cách kể chuyện mới mẻ nhằm tiếp cận đối tượng mục tiêu tốt hơn”.

Ngọc Phương