Sức mạnh của chiến tranh nhân dân

Hồng Hà lược ghi 22/07/2018 07:34

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cựu chiến binh Trung đoàn Phòng không 210, đơn vị trực tiếp chiến đấu 147 ngày đêm tại địa danh lịch sử Đồng Lộc 50 năm trước, chiến thắng Đồng Lộc đóng vai trò quan trọng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của không quân Mỹ, bảo đảm chi viện kịp thời cho miền Nam tiến hành Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, tạo bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Tuyến giao thông chiến lược

“Hàng nghìn bộ đội phòng không, công binh, thanh niên xung phong và dân quân tự vệ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, giải tỏa giao thông ở ngã ba Đồng Lộc, tất cả đều ở tuổi mười tám, đôi mươi, nhưng họ đều được giáo dục, được tiếp thu và kết tinh những phẩm chất, giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam: Lòng yêu nước nồng nàn, đức hy sinh cao thượng, thương nước, thương nhà, thương người, thương mình, xả thân cứu nước, lạc quan tin tưởng, bản lĩnh kiên định vững vàng, lao động cần cù sáng tạo, chiến đấu ngoan cường mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, hợp đồng, kỷ luật nghiêm minh…”.
PGS. TS Đào Duy Quát

Từ tháng 6.1968, Mỹ âm mưu “ném bom hạn chế”, thay vì dùng toàn bộ lực lượng không quân và hải quân đánh phá toàn miền Bắc thì nay tập trung đánh phá ác liệt vào các trọng điểm giao thông chiến lược trên dải đất hẹp từ vĩ tuyến 19 - nam sông Lam, từ Hà Tĩnh trở vào.

Địa bàn Quân khu 4 là dải đất hẹp hình “cán xoong”, địa hình phức tạp, một bên là dãy Trường Sơn hiểm trở, một bên là biển Đông. Nơi đây tập trung nhiều tuyến giao thông chiến lược quan trọng nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và nước bạn Lào. Dọc theo bờ biển là quốc lộ 1, song song là trục quốc lộ 15 chạy qua địa hình đồi núi, xen kẽ rừng già của dãy Trường Sơn. Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển vào chiến trường miền Nam.

Từ tháng 4.1968, mỗi ngày Mỹ huy động đánh phá quyết liệt các trọng điểm giao thông trên quốc lộ 1 và 15 trong vùng “cán xoong”, khiến các trọng điểm giao thông trên quốc lộ 1 và nhất là trọng điểm cầu Cổ Ngựa bị đánh hỏng hoàn toàn. Mọi hoạt động vận tải chiến lược chi viện chiến trường buộc phải chuyển qua quốc lộ 15A, con đường đi qua ngã ba Đồng Lộc.

Vùng đất ngã ba Đồng Lộc rộng hơn 50ha trong phạm vi 4 xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Đây vừa là cửa ngõ vừa là trọng điểm giao thông của tuyến quốc lộ 15A; đất hẹp, trống trải, một bên là núi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy, vừa khó mở các tuyến đường tránh vừa khó bố trí các trận địa phòng không. Khi biết rõ phần lớn hàng hóa chi viện miền Bắc vào miền Nam đều phải đi qua trọng điểm hiểm yếu này, từ tháng 4 - 10.1968, Mỹ tập trung lực lượng lớn không quân đánh phá và ném xuống ngã ba này 48.600 quả bom các loại. Bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây phải hứng chịu 3 quả bom tấn.

Thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc năm 1968 Ảnh: Tư liệu
Thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc năm 1968  Ảnh: Tư liệu

Đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ

Nhận rõ tầm quan trọng có tính chất chiến lược của mặt trận bảo đảm giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4, tháng 6.1968, Ban Bí thư Trung ương ra Thông tri Về việc tăng cường lãnh đạo và tổ chức chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải ở Quân khu 4. Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, đây là công tác chiến lược đột xuất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Bất cứ bằng cách nào cũng phải bảo đảm cho kỳ được giao thông thông suốt để không ảnh hưởng đến tiền tuyến lớn.

Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược đột xuất này, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho Sư đoàn Phòng không cơ động 367 cơ động chiến đấu vào phía nam vĩ tuyến 20, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phòng không Quân khu 4 và các lực lượng của Bộ Tư lệnh Đảm bảo giao thông Khu 4. Trung đoàn Phòng không 210 nhận nhiệm vụ cơ động vào làm nhiệm vụ bảo vệ ngã ba Đồng Lộc. Trung đoàn 230 bảo vệ khu vực ngã ba Tân Đức (cầu Cháy, ngầm La Khê, ngã ba Tân Đức). Đây là khu vực chân hàng lớn để tiếp nhận và chuyển hàng hóa từ đường 15 sang đường 12, 20 sang Lào, rồi vào miền Nam. Thời điểm tháng 6.1968, lực lượng bảo vệ và bảo đảm giao thông tại ngã ba Đồng Lộc có Trung đoàn Phòng không 210 và đơn vị cao xạ của tỉnh đội Hà Tĩnh; 1.200 thanh niên xung phong (TNXP) của Đại đội 553 thuộc Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh; một tiểu đoàn công binh rà phá bom mìn; một đội máy xúc, san ủi đất; lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ của các xã khu vực Đồng Lộc…

Thời kỳ cao điểm tháng 8.1968, lực lượng chiến đấu được huy động tăng cường cho Đồng Lộc lên tới 16.000 người. Nhiệm vụ của các đơn vị là đánh máy bay Mỹ trong mọi tình huống, bảo vệ các đoàn xe vận tải, bảo vệ lực lượng TNXP, công binh, bảo vệ ngã ba Đồng Lộc, bảo vệ các chân hàng trong khu vực. Tất cả các lực lượng này phải đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ dưới sự lãnh đạo thống nhất của Bộ Tư lệnh Đảm bảo giao thông Khu 4 nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đột xuất: “Đánh thắng âm mưu chiến lược của Mỹ tại các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4. Đảm bảo giao thông thông suốt, chi viện cho quân dân miền Nam giành chiến thắng trong cuộc tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh”.

Chiến thắng trên trọng điểm

Cuộc chiến đấu bảo vệ ngã ba Đồng Lộc, bảo đảm giao thông trên trọng điểm, vị trí yết hầu của tuyến giao thông chiến lược này diễn ra từ ngày 8.6 - 3.11.1968. Về phía địch, trong 5 tháng đánh phá trọng điểm giao thông Đồng Lộc, mỗi tháng không quân Mỹ đánh phá 28 ngày, bình quân mỗi ngày Mỹ huy động từ 36 - 50 lần/chiếc máy bay đánh phá 6 - 8 trận. Với những ngày, những đợt cao điểm, địch huy động tới trên 100 lần bay, bắn phá 10 - 15 trận. Khi đánh phá vào trọng điểm ngã ba Đồng Lộc, địch không chỉ dùng bom tấn để phá đường, phá cầu, phá núi để đất lở lấp nghẽn các đoạn đường qua ngã ba, chúng còn dùng bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bướm để sát thương lực lượng thanh niên xung phong, công binh và phá hủy các phương tiện vận tải vận động trên tuyến giao thông trọng điểm này.

Để đi tới chiến thắng Đồng Lộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Hà Tĩnh, trực tiếp là Trung đoàn Phòng không 210, lực lượng TNXP Hà Tĩnh, nòng cốt là Đại đội TNXP 552, bộ đội công binh, công nhân viên ngành giao thông Hà Tĩnh, thanh niên, dân quân tự vệ và nhân dân của huyện Can Lộc… đã phải chiến đấu với lực lượng không quân với sức mạnh “không thể tưởng tượng” của đế quốc Mỹ.

Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc đã ghi nhận cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, mưu trí, thông minh và tài thao lược cùng những chiến công xuất sắc trong 147 ngày đêm trên trọng điểm giao thông lịch sử này. Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc là kết tinh của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, là kết quả của đường lối “Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”, của sức mạnh đại đoàn kết quân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sức mạnh của chiến tranh nhân dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO