Bệnh viện Bạch Mai lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vụ việc
Ngày 13.9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai tham gia hội chẩn cùng các chuyên gia, kiểm tra công tác cấp cứu, hỏi thăm tình hình điều trị các nạn nhân và động viên người bệnh trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã trực tiếp chỉ đạo vụ việc. Qua báo cáo của bệnh viện và nắm tình hình trực tiếp, Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá rất cao nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hết mình cấp cứu các bệnh nhân.
PGS Khuê thông tin, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị 24 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân đang nguy kịch.
"Việc cấp cứu đúng hướng rất quan trọng. Bên cạnh đó, sau vấn đề thảm họa bao giờ cũng là vấn đề tinh thần. Do đó, các khoa phòng cần huy động toàn lực chăm sóc, quan tâm người nhà các nạn nhân. Không để người nhà bị hoảng loạn. Phải thông tin, tiếp đón người nhà, trấn an tinh thần. Đây là việc cực kỳ quan trọng", PGS Khuê nhấn mạnh.
Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai lập tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo xử lý vụ việc vì tiếp theo sẽ có rất nhiều vấn đề cần xử lý.
"Tôi đề nghị bệnh viện tiếp tục huy động mọi nguồn lực để cấp cứu, chăm sóc cho các bệnh nhân trong thảm họa này. Bộ phận thường trực chuyên môn của bệnh viện cần liên tục cập nhật tình hình điều trị để báo cáo lên Bộ Y tế", PGS Khuê nói.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về các bệnh nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, bệnh viện đã chỉ đạo tất cả hệ thống hồi sức cấp cứu tăng cường tiếp nhận điều trị người bệnh.
Đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 24 bệnh nhân, trong đó có 7 bệnh nhi. Ngoài ra, có 2 bệnh nhân khi nhập viện đã được xác định tử vong ngoại viện. Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Bệnh nhân cao tuổi nhất là 81 tuổi và nhỏ tuổi nhất là 8 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, vì nhiều bệnh nhân nhảy xuống từ lầu cao nên dẫn đến chấn thương và đa chấn thương. Các bệnh nhân đang được cấp cứu và theo dõi điều trị tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm Nhi khoa và Trung tâm Hồi sức chống độc.
Hiện bệnh viện đang rà soát từng bệnh nhân một và hội chẩn toàn viện với 20 chuyên gia ở các chuyên khoa khác nhau. Theo PGS Cơ, toàn bộ bệnh nhân cũng như thân nhân đang rất hoảng loạn nên các bác sĩ phải hết sức chăm sóc, động viên về tinh thần. Sinh hoạt, ăn uống bệnh viện sẽ phụ trách 100%. Vấn đề chẩn đoán, thuốc men, Ban giám đốc đã huy động toàn bộ nguồn lực để cấp cứu, điều trị nhanh nhất có thể để tối ưu điều trị và hạn chế tử vong.
Đây là cấp cứu thảm họa với rất nhiều loại tổn thương
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, về mặt chuyên môn, đây là cấp cứu thảm họa. Đến nay, các chuyên gia đang tập trung về kinh nghiệm, trí tuệ, giám sát thường xuyên lâm sàng các bệnh nhân. Liên tục cập nhật thông tin lên ban giám đốc chỉ đạo.
"Tổng quan có 2 tổn thương lớn, thứ nhất là tổn thương ngộ độc do hít vào lượng khói lớn, chủ yếu là khí CO. Trung tâm Chống độc đã tiếp cận rất sớm để giải quyết vấn đề về ngộ độc. Về vấn đề chấn thương, các chuyên gia chấn thương đã tiếp cận cấp cứu rất sớm và đưa ra giải pháp để tiếp tục phát hiện các tổn thương", PGS Chi cho hay.
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định đây là một thảm họa với rất nhiều loại tổn thương và có thể xuất hiện thêm các tổn thương trong các ngày tiếp theo. Do đó cả bệnh viện tập trung để kiểm soát tình trạng sức khoẻ và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất".
Theo đại diện Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị đã tiếp nhận 7 nạn nhân là trẻ em, cháu nhỏ nhất 8 tháng tuổi. Sức khoẻ các bé hiện ổn định, đang thở ôxy dòng cao. Tuy nhiên, tinh thần các bé không được ổn định, hoảng sợ, một cháu bé 2 tuổi ngoài bị ngạt khí thì có tổn thương phần mềm tại chân.
Đại diện Trung tâm Chống độc cho biết tiếp nhận 7 nạn nhân. Trong đó, có 1 ca nặng, chẩn đoán ngộ độc CO2, tổn thương đường hô hấp, nghi ngờ tổn thương phổi. Sau cấp cứu, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, tuy nhiên tiên lượng nặng. 6 ca còn lại đang được điều trị tích cực, các xét nghiệm ngộ độc CO không quá cao, tiếp tục theo dõi tại viện.
“Bệnh nhân đen toàn bộ mặt mũi tay chân tổn thương phổi chưa nhiều, tuy nhiên không loại trừ diễn biến nặng hơn”, đại diện Trung tâm Chống độc cho biết.
Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, nhiều cơ sở y tế khác cũng tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân trong vụ cháy tại Khương Hạ.
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận 8 nạn nhân, trong đó 4 người tử vong, 4 bệnh nhân còn lại có 3 người được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp tục điều trị.
Bệnh viện Bưu điện tiếp nhận 2 nạn nhân, trong đó 1 cháu bé tử vong ngoại viện, lực lượng chức năng đã đưa đi ngay trong đêm. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã tiếp nhận 7 nạn nhân trong vụ hỏa hoạn này. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận 4 nạn nhân tử vong ngoại viện và 4 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện.