Theo đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn Thành phố nghiêm túc phổ biến và nghiên cứu, vận dụng triển khai hiệu quả các khuyến cáo của Hội đồng quản lý chất lượng khám, chữa bệnh của Ngành Y tế Thành phố liên quan đến an toàn người bệnh trong phẫu thuật.
Trong đó, gần đây nhất là khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ban hành ngày 26 tháng 4 năm 2024).
Khuyến cáo này cũng là căn cứ để Sở Y tế kiểm tra, đánh giá và công khai kết quả chất lượng đối với các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để người dân chọn lựa khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, để đảm bảo các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, các đơn vị phải tuân thủ quy định về nhân sự tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, đảm bảo tất cả nhân sự tham gia khám bệnh, chữa bệnh phải được đăng ký hành nghề theo quy định, có giấy phép hành nghề phù hợp. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật có giấy chứng nhận đào tạo liên tục về an toàn người bệnh trong phẫu thuật. Các thành viên trong ê kíp phẫu thuật đều được tập huấn về hồi sức ngưng tim, ngưng thở cơ bản, nâng cao hoặc chứng nhận đào tạo về hồi sức cấp cứu tối thiểu 03 tháng.
Trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc phục vụ cho phẫu thuật và gây mê - hồi sức đồng thời định kỳ kiểm định, bảo trì đảm bảo chất lượng các máy móc trang thiết bị phòng mổ theo đúng các quy định hiện hành. Luôn có máy khử rung sẵn sàng trong phòng mổ. Vật liệu cấy ghép dùng cho người bệnh phải vô khuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Luôn đảm bảo người bệnh phải được phẫu thuật viên chính trực tiếp khám, tư vấn và thực hiện phẫu thuật. Liệt kê danh mục các dịch vụ kỹ thuật phức tạp, khó thực hiện hoặc có nguy cơ cao liên quan đến vô cảm, phẫu thuật và hồi sức, từ đó phân công nhân sự có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn phù hợp trực tiếp thực hiện từng dịch vụ kỹ thuật tương ứng. Không kết hợp cùng lúc các kỹ thuật ở vùng ngực, bụng, căng da mặt trong cùng cuộc mổ.
Thực hiện khám đánh giá tiền mê cho tất cả trường hợp trước phẫu thuật là trách nhiệm của bác sĩ gây mê - hồi sức, trong đó phải bao gồm việc phân loại người bệnh theo tiêu chuẩn ASA của Hội gây mê Hoa Kỳ (American Society of Anesthesiology), đánh giá nguy cơ thuyên tắc do huyết khối và nguy cơ đặt nội khí quản khó (ngay cả khi chỉ gây tê vùng).
Cân nhắc thực hiện phẫu thuật khi người bệnh có bệnh lý đi kèm (ASA ≥ 2) vì có nguy cơ cao xảy ra biến chứng. Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa thuyên tắc do huyết khối trước, trong và sau phẫu thuật, đặc biệt lưu ý các trường hợp nguy cơ như: béo phì, thời gian phẫu thuật kéo dài từ 3 giờ trở lên, người vừa ngồi lâu trên các phương tiện máy bay, tàu, ô tô,... từ 3 giờ trở lên. Chủ động các phương án cụ thể để kiểm soát đường thở đối với người bệnh có nguy cơ đặt nội khí quản khó.
Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình vô cảm, phẫu thuật và hồi tỉnh phải được thực hiện bởi bác sĩ gây mê - hồi sức và kỹ thuật viên gây mê - hồi sức để xử trí kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường. Ghi chép đầy đủ các thông tin và dấu sinh hiệu của người bệnh trong “Phiếu gây mê - hồi sức” theo quy định của Bộ Y tế. Sau phẫu thuật, phẫu thuật viên phải tham gia theo dõi người bệnh cho đến khi đánh giá người bệnh đủ điều kiện xuất viện.
Xây dựng hướng dẫn pha dung dịch thuốc tê sử dụng trong các phẫu thuật hút mỡ là trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện và Hội đồng Thuốc và điều trị, trong đó phải xác định rõ liều tối đa an toàn của Lidocaine ở các nồng độ khác nhau. Tổ chức tập huấn cho tất cả bác sĩ gây mê - hồi sức để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc tê.
Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc để cấp cứu người bệnh. Các bác sĩ, điều dưỡng đều phải được tập huấn về hồi sức cấp cứu, ít nhất phải có kỹ năng hồi sức ngưng tim ngưng thở cơ bản và xử trí phản vệ. Xây dựng và tập huấn các quy trình phản ứng nhanh (code blue) và báo động đỏ nội viện, liên viện đối với các trường hợp cấp cứu, nguy kịch. Định kỳ tổ chức diễn tập các tình huống cấp cứu để có thể xử trí thuần thục khi có tình huống cấp cứu trên thực tế.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan đến thủ thuật, phẫu thuật. Phòng mổ phải đảm bảo thiết kế và thông khí tốt. Tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên về kiểm soát nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, thủ thuật, nhân viên xử lý dụng cụ phải được đào tạo về khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ. Triển khai giám sát thực hiện đúng Hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật và giám sát phát hiện nhiễm khuẩn vết mổ. Tất cả dụng cụ phẫu thuật phải được tiệt khuẩn, không được ngâm hóa chất hoặc kháng sinh; trang bị lò hấp đúng quy chuẩn.
Tổ chức giao ban chuyên đề về an toàn người bệnh trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ định kỳ hoặc đột xuất cho các khoa, phòng liên quan. Khuyến khích các bệnh viện tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau về an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.