Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 2020, nguồn cung ứng thuốc Phenobarbital trong nước bị hạn chế và gián đoạn một thời gian dài. Hội đồng chuyên môn của Sở đã họp và thống nhất chọn lựa các thuốc an thần khác tạm thay thế hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam…
Trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các bệnh viện.
Thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có hơn 15.753 ca mắc tay chân miệng. Mỗi ngày có hàng trăm ca mắc mới và có nhiều ca nặng nguy kịch từ các địa phương khác chuyển đến. Trong đó, hầu hết các ca nhập viện điều trị là trẻ em dưới 6 tuổi.
Phenobarbital là thuốc điều trị quan trọng có trong phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30.3.2012. Theo phác đồ này, thuốc Phenobarbital có thể dùng bằng đường uống hay đường tiêm, ưu tiên dạng tiêm khi bệnh nhân nặng. Phenobarbital sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm, ít tác dụng phụ, đã được các bác sĩ quen sử dụng cho bệnh nhi từ rất lâu.
Trong bệnh tay chân miệng, Phenobarbital có vai trò cắt các cơn co giật kéo dài và dự phòng các tái phát co giật. Bên cạnh đó, thuốc này còn có tác dụng an thần, làm giảm các biểu hiện thần kinh, giật mình ở trẻ. Ngoài ra khi có phù não (trong trường hợp nặng) thuốc góp phần làm giảm phù não, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của não.
Phenobarbital dạng tiêm có tác dụng nhanh trong thời gian ngắn (5 phút sau tiêm), đạt đỉnh tác dụng nhanh (15-30 phút) và thời gian tác dụng tương đối ngắn (6 giờ). Phenobarbital dạng tiêm được chỉ định cho trẻ mắc tay chân miệng thuộc nhóm nhóm nguy cơ và nhóm nặng.