Thức khuya được có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ phát triển nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Do vậy, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Nội chỉ ra, những ảnh hưởng xấu từ việc thức khuya đối với hệ tiêu hóa như sau:
Ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật và hàng rào bảo vệ ở ruột
Hệ vi sinh vật và hàng rào ruột đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn những chất lạ này thấm vào niêm mạc ruột và gây viêm. Tuy nhiên, hệ vi sinh vật và tính toàn vẹn của hàng rào ruột biến động hàng ngày chứ không phải lúc nào cũng cố định.
Gián đoạn nhịp sinh học được chứng minh, có thể làm suy yếu tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ ở ruột và gây bất thường hệ vi sinh đường ruột. Điều này khiến cho cơ thể dễ bị tấn công hơn bởi vi khuẩn Hp – loại vi khuẩn gây ra hơn 80% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Đây cũng là những yếu tố thúc đẩy bệnh viêm ruột mạn tính.
Thay đổi nhịp tiết enzym tiêu hóa
Việc bài tiết acid dạ dày ở người bình thường diễn ra theo chu kì và đỉnh bài tiết thường sẽ từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Tuy nhiên, mức tiết acid cao nhất này có thể không tương quan với độ pH dạ dày trong giấc ngủ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giá trị pH dạ dày ở bệnh nhân tỉnh táo thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân trong giấc ngủ.
Các nghiên cứu khác cho thấy, tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng ở những người làm việc ca đêm cao hơn đáng kể so với những người chỉ làm vào ban ngày. Việc thức khuya làm thay đổi nhịp bài tiết dịch dạ dày, tạo ra sự mất cân bằng giữa các yếu tố có hại và các yếu tố có lợi trong dạ dày, từ đó, gia tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
Đồng thời, các nghiên cứu chứng minh rằng, làm việc ca đêm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trào ngược dạ dày thực quản và/hoặc viêm thực quản ăn mòn so với những người làm ca ban ngày. Việc giảm sản xuất hormone giấc ngủ melatonin ở những người bị gián đoạn nhịp sinh học có thể góp phần gây ra rối loạn chức năng cơ vòng thực quản và sản xuất nhiều acid dạ dày hơn, làm bệnh dạ dày sẽ ngày càng trầm trọng thêm.
Gây rối loạn hormone
Chu kỳ ngủ – thức được hỗ trợ bởi sự cân bằng của cortisol – một loại hormone gây căng thẳng và melatonin – hormone giấc ngủ. Đặc biệt, mức độ melatonin sẽ tăng vào buổi tối, trong khi, cortisol sẽ đạt mức cao nhất vào buổi sáng, giúp bạn tập trung làm việc.
Việc thức khuya sẽ làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể vào ban đêm. Hormone này chịu trách nhiệm cho phản ứng “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy”, có nghĩa năng lượng sẽ tập trung đến tim, não bộ và các cơ quan khác thay vì tập trung vào tiêu hóa thức ăn như bình thường, khiến quá trình tiêu hóa kém hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thiếu ngủ làm tăng mức độ stress, trầm cảm, lo âu. Những yếu tố này cũng góp phần làm trầm trọng thêm cơn đau dạ dày và tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
Bác sĩ lưu ý, thức khuya không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim, mà còn có khả năng thúc đẩy sự phát triển hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, ung thư đại trực tràng.